Trong báo cáo thường niên công bố ngày 29/12, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) cho biết trong năm 2020, đã có 50 nhà báo và người làm truyền thông thiệt mạng trong quá trình tác nghiệp.
Đáng chú ý, RSF nhấn mạnh rằng hầu hết các nạn nhân thiệt mạng ở những quốc gia không xảy ra chiến tranh. Trong đó, số người thiệt mạng gia tăng đối với các nhà báo đưa tin về điều tra tội phạm có tổ chức, tham nhũng hoặc các vấn đề môi trường, với các "điểm nóng" là Mexico, Ấn Độ và Pakistan.
Số liệu thống kê của RSF cho thấy 84% số nhà báo thiệt mạng trong năm 2020 là mục tiêu của các vụ tấn công "có chủ ý", cao hơn so với con số 63% trong năm ngoái. Mexico là quốc gia có số nhà báo bị sát hại nhiều nhất thế giới với 8 nạn nhân.
[Việt Nam luôn ủng hộ, đảm bảo thực thi quyền tự do báo chí]
Theo báo cáo của RSF, chính sự móc nối giữa các băng nhóm buôn bán ma túy và một số chính trị gia ở Mexico đã khiến các nhà báo đưa tin về vấn đề này hoặc những vấn đề liên quan thường xuyên là mục tiêu của những vụ tấn công. Mặc dù vậy, RSF cho biết chưa có đối tượng nào gây ra các vụ sát hại nhà báo tại Mexico bị pháp luật trừng phạt.
Trong khi đó, ít nhất 5 nhà báo đã thiệt mạng tại Afghanistan, trong khi các vụ tấn công nhằm vào những người làm công tác truyền thông đang có xu hướng gia tăng trong vài tháng qua, bất chấp các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa lực lượng Taliban và chính quyền Kabul.
Người đứng đầu RSF, ông Pauline Ades-Mevel lưu ý rằng xu hướng bạo lực nhằm vào các nhân viên truyền thông đưa tin về biểu tình đang ngày một tăng, điển hình là làn sóng tại Mỹ sau vụ sát hại công dân da màu George Floyd hay làn sóng tại Pháp sau khi nước này công bố luật an ninh mới.
Ông Ades-Mevel cho biết trong những năm gần đây, RSF luôn cảnh báo các phóng viên điều tra cần chủ động, sẵn sàng các tình huống phức tạp khi tác nghiệp ở những khu vực có tình hình an ninh chính trị phức tạp./.