Rồng Komodo có nguy cơ tuyệt chủng do tác động của biến đổi khí hậu

Trái Đất nóng lên khiến băng tan, dẫn tới mực nước biển dâng cao và có thể thu hẹp môi trường sống nhỏ bé của loài Komodo ít nhất 30% trong 45 năm tới.
Rồng Komodo có nguy cơ tuyệt chủng do tác động của biến đổi khí hậu ảnh 1(Nguồn: indonesia.travel)

Bị mắc kẹt trong một môi trường sống trên đảo ngày càng bị thu hẹp do nước biển dâng, loài rồng Komodo của Indonesia đã vào danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Ngoài ra, việc đánh bắt cá quá mức cũng đẩy 40% số cá mập trên thế giới vào tình thế nguy hiểm.

Trong bản cập nhật Danh sách Đỏ về động vật hoang dã, công bố ngày 4/9, Liên minh Quốc tế vì bảo tồn thiên nhiên (IUCN) khuyến cáo khoảng 28% trong số 138.000 loài được liên minh đưa vào danh sách theo dõi sự sinh tồn đang đối mặt với nguy biến mất khỏi môi trường tự nhiên vĩnh viễn. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là sự tàn phá của con người đối với thế giới tự nhiên ngày càng nghiêm trọng.

Rồng Komodo - loài thằn lằn còn tồn tại lớn nhất thế giới, chỉ được tìm thấy ở Vườn quốc gia Komodo, đã được xếp hạng Di sản Thế giới, và vùng lân cận Flores ở Indonesia.

Theo các chuyên gia, môi trường sống của các loài động vật "ngày càng bị đe dọa do các tác động của tình trạng biến đổi khí hậu." Trái Đất nóng lên khiến băng tan, dẫn tới mực nước biển dâng cao và có thể thu hẹp môi trường sống nhỏ bé của loài Komodo ít nhất 30% trong 45 năm tới.

Trong khi đó, cuộc khảo sát toàn diện nhất về cá mập và cá đuối từng được thực hiện cho thấy có tới 37% trong số 1.200 loài được xem xét thuộc diện bị đe dọa tuyệt chủng trực tiếp, rơi vào một trong ba vùng "dễ bị tổn thương," "nguy cấp" hoặc "cực kỳ nguy cấp."

Theo ông Nicholas Dulvy, Giáo sư trường Đại học Simon Fraser, tác giả chính của một nghiên cứu được công bố cùng Danh sách Đỏ, có khoảng 30% trong số các loài này đã rơi vào vùng nguy cơ mới cách đây bảy năm. Ông cảnh báo nguy cơ chúng tuyệt chủng đang ở mức báo động đỏ.

Tuy nhiên, bản cập nhật này cũng có những điểm sáng. Đó là khả năng phục hồi số lượng của bốn loài cá ngừ đại dương vốn lâu nay được đánh bắt thương mại nhờ một thập kỷ nỗ lực bảo tồn.

[Chính phủ Indonesia hủy kế hoạch đóng cửa đảo rồng Komodo]

Trước đó, các loài này đã bên bờ tuyệt chủng do con người khai thác, đánh bắt quá mức. Loài cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương ghi nhận sự phục hồi rõ rệt và ấn tượng nhất. Trong Danh sách Đỏ, loài này đã thoát khỏi vùng nguy cấp để được ghi tên vào vùng an toàn ở mục ít đáng lo ngại nhất.

Theo Tổng Giám đốc IUCN Bruno Oberle, các đánh giá trong Danh sách Đỏ này chứng minh cuộc sống của con người và sinh kế gắn liền với sự đa dạng sinh học. Tổ chức này đã chính thức đưa ra "quy chế xanh" - tiêu chuẩn toàn cầu đầu tiên để đánh giá sự phục hồi của các loài và đo lường các tác động của công tác bảo tồn.

Các nhà khoa học lưu ý rằng phần lớn các nỗ lực nhằm ngăn chặn sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng và sự đa dạng của các loài động thực vật đều không hiệu quả.

Năm 2019, các chuyên gia về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng một triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng, dấy lên lo ngại rằng Trái Đất đang bên bờ vực của sự kiện tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu trong 500 triệu năm.

Craig Hilton-Taylor, Giám đốc bộ phận Danh sách Đỏ của IUCN, cảnh báo danh sách này cho thấy thế giới đang trên đỉnh của sự kiện tuyệt chủng thứ sáu và nếu các xu hướng này tiếp tục với tốc độ hiện nay, nhân loại sẽ phải đối mặt với một khủng hoảng sớm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục