Rừng đặc dụng Mường Phăng có diện tích rộng hơn 4.430ha, trải rộng trên địa bàn hai xã Pá Khoang và Mường Phăng thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Ngoài chức năng đảm bảo giữ nguồn nước, điều hòa ổn định lượng nước cho hồ Pá Khoang - hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Điện Biên, phục vụ các công trình thủy điện vùng hạ lưu và nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, rừng đặc dụng Mường Phăng còn gắn liền với sinh kế của cộng đồng các dân tộc Thái, Khơ-Mú, Mông… của hai xã.
Tại rừng đặc dụng Mường Phăng, bắt đầu từ tháng 10, người dân 2 xã Pá Khoang, Mường Phăng và các xã lân cận lại vào rừng nhặt hạt dẻ để có thêm nguồn thu nhập. Cuối tháng 12 khi các cây dẻ trong rừng rụng hết quả cũng là lúc người dân kết thúc mùa nhặt hạt dẻ.
Nhiều ngày qua, vào sáng sớm, trên các con đường Tỉnh lộ 3 (xuất phát từ Quốc lộ 279, địa phận xã Nà Nhạn), đường 141B nối xã Pá Khoang với xã Mường Phăng và trên tuyến đường tham quan, du lịch lòng hồ Pá Khoang, dễ dàng bắt gặp những tốp người đi bộ, đi xe máy để vào rừng đặc dụng Mường Phăng thu nhặt hạt dẻ. Trong rừng đặc dụng Mường Phăng, cây dẻ phân bố đều nên hạt dẻ có ở mọi địa điểm.
Công việc thu nhặt hạt dẻ sôi động, tất bật và có nhiều người tham gia hơn cả là những khu vực nằm sâu trong đại ngàn đặc dụng.
Để tiếp cận được những khu vực này, người dân phải di chuyển trên những con đường nhỏ được mở để phục vụ việc tham quan, du lịch lòng hồ Pá Khoang, rồi cắt rừng bằng những lối đi nhỏ và luồn sâu dưới đại ngàn thâm u, ẩm ướt, nền nhiệt giảm sâu so với khu vực ngoài rìa rừng.
Tại đây, dễ dàng bắt gặp những tốp từ 2 đến 5 người cặm cụi, cần mẫn thu nhặt hạt dẻ rừng dưới những cây dẻ có độ tuổi hàng chục năm, thân cao, chu vi vành thân một người ôm, tán rộng.
Thu nhặt hạt dẻ phải đi thành từng tốp, cùng là người trong một bản làng và quá trình di chuyển trong rừng không được tách nhau để tiện giúp đỡ, hỗ trợ nhau vận chuyển những bao tải đựng hạt dẻ ra đường mòn.
Để thu được hạt dẻ rừng, người dân có thể nhặt trực tiếp từng hạt, hoặc dùng tay gom cả hạt dẻ lẫn lá cây khô, lớp mùn trên bề mặt vào các dụng cụ đựng rồi thực hiện thao tác sàng lọc, loại bỏ rác, đất.
Cách thức thứ hai sẽ cho năng suất hơn nhưng tốn nhiều nước và phải mất nhiều lần rửa để hạt dẻ được sạch sẽ.
Công việc thu nhặt hạt dẻ cần nhiều thời gian, sự cần mẫn, kiên trì vì phải ngồi hàng giờ đồng hồ dưới tán rừng.
Để tránh muỗi, vắt, côn trùng, người thu nhặt hạt dẻ phải tự trang bị cho mình các vật dụng thiết yếu như: ủng, giày, khăn quàng cổ, tất tay, mũ rộng vành, áo dài tay, bao tải, các loại dụng cụ đựng, sàng lọc.
Những tốp người buổi trưa không về nhà ăn cơm thì phải mang theo thức ăn, nước uống và việc nghỉ ngơi diễn ra trong rừng, nếu cần ngủ thì người dân sẽ trải bạt, tấm vải xuống nền đất trống và tranh thủ ngủ tại chỗ.
Chị Lường Thị Hoa, bản Che Căn, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cho biết chị và em gái (Lường Thị Ong) thu nhặt hạt dẻ từ buổi sáng. Quãng đường từ bản Che Căn vào đây (bản Đông Mệt, bản Bó - xã Pá Khoang) khá xa nên phải di chuyển bằng xe máy. Do buổi trưa phải về lại nhà nên hai người chỉ thu nhặt hạt dẻ ở khu vực dọc con đường tham quan chạy quanh lòng hồ Pá Khoang. Sau quá trình nhặt, sàng lọc loại bỏ rác, hai chị em cũng thu được số lượng hạt dẻ đựng đầy 2 bao tải loại nhỏ, khoảng 25 đến 30kg/bao.
Vợ chồng anh Lường Văn Thận, bản Đông Mệt 2, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, vào sâu trong rừng để nhặt hạt dẻ.
Anh Thận chia sẻ từ cầu treo bản Đông Mệt-bản Bó (xã Pá Khoang) trên con đường du lịch quanh lòng hồ vào khu vực này phải đi xe máy bằng đường mòn, rồi đi bộ, luồn trong rừng già mất cả giờ đồng hồ. Để nhanh chân tiếp cận được khu vực có nhiều cây dẻ to, lớn, sai quả, vợ chồng anh xuất phát từ sớm khi sương mù còn bảng lảng trên mặt hồ Pá Khoang, hơi lạnh còn quấn chân và len lỏi vào từng lớp áo của người đi đường.
Cũng theo anh Lường Văn Thận, từ hàng chục năm nay, người dân trên địa bàn xã Pá Khoang, huyện Mường Phăng, đã biết đến hạt dẻ và sử dụng nó khi đến mùa.
Khoảng 10 năm trở lại đây, khi nhu cầu thị trường lớn, hạt dẻ bán ra dễ dàng thì nhiều nhà đã coi việc thu nhặt hạt dẻ là một nghề, có thể kiếm thêm thu nhập.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, phù hợp với đặc điểm sinh trưởng nên cây dẻ trong rừng đặc dụng Mường Phăng cho quả sớm, quả nhiều hơn năm ngoái và đẩy mùa thu nhặt hạt đến nhanh hơn vài tuần. Hạt dẻ có kích thước khá đều, vỏ màu nâu đen, nhân hạt chắc, trắng tinh, rang lên cho mùi thơm, vị rất bùi.
Hạt dẻ người dân thu nhặt về sẽ được bán cho các chủ hàng quán dọc tuyến đường 141B, hoặc người dân trực tiếp bán tại các chợ, khu vực di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - nơi có nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, du lịch.
Hạt dẻ năm nay có giá dao động từ 13.000 đồng đến 16.000 đồng/kg, tùy thuộc vào chất lượng hạt dẻ đã rửa sạch và phân loại. Nếu ngày mưa thì giá bán sẽ nhỉnh hơn vì nguồn hạt dẻ khan hiếm do người dân không vào rừng thu nhặt được.
Trải rộng và xen kẽ lòng hồ Pá Khoang có hàng chục hòn đảo lớn nhỏ. Đầu tháng Tám hằng năm, hồ Pá Khoang bắt đầu đóng đập tích nước, mặt nước dâng đầy.
Để tiếp cận được các hòn đảo nơi có nhiều cây dẻ với nguồn hạt dẻ dồi dào, hạt dẻ to, mẩy và đều, người dân cũng dùng thuyền độc mộc vượt lòng hồ đến các đảo. Mỗi lần di chuyển từ 2 đến 3 người, thay nhau chèo thuyền.
Nếu việc thu nhặt hạt dẻ là dành cho phụ nữ thì công việc đưa những bao tải đựng hạt dẻ lên xe máy, chằng níu chắc chắn và vận chuyển những bao tải đựng hạt dẻ ra khỏi rừng, thồ về nhà, về bản là dành cho đàn ông.
Hạt dẻ thu nhặt trong rừng thường lẫn nhiều mùn, lá cây khô, để hạt dẻ sạch sẽ thì người dân phải sàng lọc, rửa kỹ bằng nước suối nhiều lần và qua nhiều công đoạn để loại bỏ các loại rác nhỏ, bụi đất bám trên vỏ và những hạt lép, xấu, mốc, chất lượng kém.
Chị Lường Thị Hoa, bản Che Căn, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cho biết sau quá trình rửa sạch sẽ, hạt dẻ rừng sẽ được đem đi phơi để lớp vỏ được khô hoàn toàn. Tuy nhiên hạt dẻ phải được phơi nơi chỗ có bóng mát, thoáng gió, tránh trực tiếp phơi dưới nắng gắt sẽ dễ khiến hạt dẻ bị tách vỏ, nhân cũng sẽ bị thoát hết nước, khi rang nhân hạt sẽ giảm vị ngọt, bùi.
Theo ông Quàng Văn Việt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Pá Khoang (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), toàn xã có 16 bản, dân số chủ yếu là dân tộc Kinh, Thái, Khơ-mú. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng luôn được chính quyền xã quan tâm, chú trọng triển khai.
Đặc biệt, thời điểm trước và trong mùa thu nhặt hạt dẻ rừng, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân không được mang theo củi lửa, các chất dễ gây cháy nổ vào rừng, cấm thực hiện hành vi chặt cây, đốt lửa lấy mật ong rừng, xâm hại đến cảnh quan, môi trường sinh cảnh tự nhiên của rừng đặc dụng.
Những năm qua, nhờ có các chính sách hỗ trợ về dịch vụ chi trả môi trường rừng, cuộc sống của người dân đảm bảo nên những hành vi xâm hại rừng trái pháp luật đã giảm đáng kể.
Cùng với đó, lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan, môi trường Mường Phăng thường xuyên bám sát địa bàn, thực hiện kiểm tra, kiểm soát rừng theo lịch, theo kế hoạch; xây dựng cộng đồng có chức năng bảo vệ rừng; phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và giúp người dân xây dựng các quy ước bảo vệ rừng nên rừng đặc dụng được bảo vệ tốt, ý thức bảo vệ rừng của người dân tại hai xã Mường Phăng, Pá Khoang đã nâng lên rõ rệt./.