Trải rộng và xen kẽ lòng hồ Pá Khoang, rừng đặc dụng Mường Phăng cũng phân bố trên hàng chục hòn đảo lớn nhỏ. Để tiếp cận được các hòn đảo nơi có nguồn hạt dẻ rừng dồi dào, người dân phải dùng thuyền độc mộc vượt lòng hồ. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Những hạt dẻ già rụng, nằm dưới tán rừng đặc đụng Mường Phăng (Điện Biên) có kích thước khá đều, vỏ màu nâu đen, nhân hạt chắc, trắng tinh, rang lên cho mùi thơm, vị rất bùi. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Người dân đi thu nhặt hạt dẻ rừng trong thời gian nhàn rỗi, chủ yếu là các bà, các mẹ, các chị tham gia. Công việc vận chuyển những bao hạt dẻ ra khỏi rừng, thồ về nhà thường dành có sự giúp đỡ của đàn ông. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Hạt dẻ rừng được chị em phụ nữ rửa sạch, sàng lọc, phân loại tại lòng hồ Pá Khoang sau khi kết thúc quá trình thu nhặt. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Công việc thu lượm hạt dẻ cần nhiều thời gian, sự cần mẫn, kiên trì vì phải ngồi hàng giờ đồng hồ dưới tán rừng. Để tránh muỗi, vắt người thu nhặt hạt dẻ phải tự trang bị cho mình các vật dụng thiết yếu như: ủng, giày, khăn quàng cổ, tất tay, mũ rộng vành, áo dài tay. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Để hạt dẻ sạch và loại bỏ được các hạt có nhân bị mốc, rỗng, hạt lép, kém chất lượng, công đoạn rửa hạt dẻ bằng nước lạnh phải thực hiện kỹ càng, qua nhiều lần rửa. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Niềm vui của người dân khi thành quả thu được là những bao tải đầy hạt dẻ thu nhặt trong rừng. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Năm nay, hạt dẻ Mường Phăng có giá dao động từ 13.000-15.000 đồng, tùy thuộc vào chất lượng hạt dẻ đã phân loại và nếu ngày mưa thì giá bán sẽ nhỉnh hơn vì nguồn hạt dẻ khan hiếm do người dân không vào rừng thu nhặt được. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)