Ông Maurizio Anastasi, Giám đốc kỹ thuật của Sở Văn hóa và Di sản thành phố Rome, Italy khẳng định "Rome sẵn sàng giúp Hà Nội bảo tồn và trùng tu các di tích cổ."
Trong cuộc gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn và trùng tu di tích cổ với đoàn cán bộ thành phố Hà Nội, do Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái dẫn đầu, ông Anastasi và các chuyên gia về bảo tồn và trùng tu di tích của Rome đã thẳng thắn trao đổi các kinh nghiệm của mình cho các cán bộ Hà Nội.
Theo ông Anastasi, bằng kinh nghiệm quản lý các di tích cổ nổi tiếng thế giới và truyền thống bảo tồn, trùng tu các công trình khảo cổ cũng như kinh doanh và phát triển các dự án bảo tàng trong hàng thế kỷ qua, Rome có thể giúp Hà Nội trong công tác này.
Với một thành phố có 2.700 năm tuổi đời, một lịch sử văn hóa và truyền thống kéo dài hàng thế kỷ, là cái nôi của văn hóa và kiến trúc La Mã, với nhiều di sản nổi tiếng thế giới, các chính quyền Rome qua nhiều thời kỳ đã có các chính sách hỗ trợ việc khảo cổ, khai quật, trùng tu và thực hiện công tác bảo tàng nhằm gìn giữ di sản và thu hút du khách như là một quy trình khép kín.
Bằng nhiều biện pháp nhằm tăng thêm nguồn thu cho thành phố từ khách tham quan, với sự hỗ trợ bằng chính sách từ Bộ Văn hóa và Di sản Italy, như miễn phí vào cửa chủ nhật đầu tháng, mở cửa vào buổi tối, Rome trở thành một trong số những thành phố nhiều khách du lịch và tham quan các công trình di tích cổ nhất Italy.
Cũng trong buổi trao đổi kinh nghiệm, Sở Văn hóa và Di sản Rome cũng trình bày về việc sử dụng các công nghệ cao vào các công trình kiến trúc cổ, như dùng ánh sáng và video, để giúp khách tham quan hiểu hơn về giá trị lịch sử, văn hóa, cũng như niên đại và nguồn gốc của các công trình.
Phía những người làm văn hóa Rome cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nguồn vốn đóng góp cho bảo tồn, trùng tu từ tư nhân trong công tác này, với việc thành phố đóng vai trò chính về mặt quản lý, tổ chức cũng như định hướng.
Đoàn cán bộ Hà Nội đã cám ơn sự nhiệt tình ở phía Rome, đánh giá cao các kinh nghiệm về bảo tồn và trùng tu, tôn tạo mà họ đã truyền đạt, và hy vọng sẽ có dịp cộng tác với các chuyên gia của Sở Văn hóa và Di sản Rome trong công tác này.
Năm ngoái, các hoạt động bảo tàng, văn hóa truyền thống, triển lãm... ở Italy đem lại doanh thu 214,2 tỷ euro, tương đương với 15% GDP của nước này./.