Romania thông qua kế hoạch trưng cầu ý dân cải cách chống tham nhũng

Quốc hội Romania đã nhất trí thông qua kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về cải cách chống tham nhũng do Tổng thống Klaus Iohannis đề xuất.
Hàng chục nghìn người tham gia cuộc biểu tình chống Chính phủ ở thủ đô Bucharest, Romania. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Quốc hội Romania ngày 13/2 đã nhất trí thông qua kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về cải cách chống tham nhũng, trong bối cảnh làn sóng biểu tình trên đường phố đã khiến chính phủ phải rút lại các sắc lệnh bị cáo buộc là dung túng tham nhũng.

Kế hoạch trưng cầu ý dân do Tổng thống Klaus Iohannis đề xuất. Tổng thống Iohannis là người chỉ trích mạnh mẽ chính phủ cánh tả của Thủ tướng Sorin Grindeanu về các sắc lệnh nói trên.

Sau khi kế hoạch đã được Quốc hội nhất trí, Tổng thống sẽ đề xuất câu hỏi trưng cầu và thời gian tiến hành trưng cầu.

Làn sóng biểu tình tiếp diễn tại Romania trong hai tuần qua nhằm kêu gọi chính phủ từ chức vì bị cáo buộc dung túng tham nhũng. Cao điểm đợt biểu tình là ngày 5/2, với khoảng 500.000 người tham gia. Tối 13/2, khoảng 2.000 người biểu tình tập trung tại thủ đô Bucharest trong ngày biểu tình thứ 14 liên tiếp.

Các cuộc biểu tình chưa có dấu hiệu giảm bớt mặc dù Thủ tướng Sorin Grindeanu ngày 5/2 đã phải tuyên bố hủy bỏ các sắc lệnh gây nhiều tranh cãi, theo đó miễn truy tố tội tham nhũng với số tiền dưới 44.000 euro (47.500 USD) và trả tự do sớm cho một loạt chính trị gia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước.

Nếu các sắc lệnh này được thông qua, trong danh sách các quan chức thoát án tham nhũng sẽ có cả lãnh đạo đảng PSD cầm quyền, ông Liviu Dragnea, người đang bị xét xử với cáo buộc lạm dụng chức quyền gây thất thoát khoảng 24.000 euro.

Người biểu tình Romania cho biết họ đã mất "hoàn toàn niềm tin" vào chính phủ hiện tại và muốn có một cuộc bầu cử sớm, ngay cả sau khi các sắc lệnh nói trên đã bị hủy bỏ và Bộ trưởng Tư pháp Florin Iordache phải từ chức trong nỗ lực nhằm xoa dịu dư luận trong và ngoài nước.

Romania gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2007 và luôn phải chịu sức ép từ EU về những tiến bộ chậm chạp trong cuộc chiến chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục