Ngày 3/2, hàng trăm nghìn người biểu tình đã đổ xuống đường phố trên khắp cả nước Romania trong ngày thứ 4 liên tiếp để phản đối việc chính phủ nước này vừa tuyên bố sẽ kiên quyết triển khai các sắc lệnh miễn truy tố và trả tự do cho một loạt chính trị gia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước.
Diễn biến trên cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát tại Romania chưa hề có dấu hiệu lắng dịu.
Truyền thông sở tại đưa tin khoảng 200.000-250.000 người đã tham gia biểu tình ở hàng loạt thành phố và thị trấn lớn để phản đối việc chính phủ của tân Thủ tướng Sorin Grindeanu thông qua sắc lệnh gây tranh cãi nói trên.
Những người biểu tình cáo buộc rằng "chính phủ đang ngấm ngầm muốn hợp pháp hóa tội tham nhũng," đồng thời khẳng định sẵn sàng tham gia biểu tình vào mỗi đêm.
Các cuộc biểu tình nhỏ hơn cũng đã thu hút hàng chục nghìn người tham gia ở khoảng 50 thành phố, bao gồm Cluj, Sibiu và Timisoara.
Đám đông người biểu tình cho biết sẽ tham gia các cuộc biểu tình hàng ngày cho đến ngày 10/2 tới - thời điểm sắc lệnh gây tranh cãi nói trên có hiệu lực.
Bất chấp sức ép gia tăng từ nhiều phía, ngày 2/2, Chính phủ Romania tuyên bố kiên quyết triển khai các sắc lệnh đã được chính phủ của ông Grindeanu thông qua ngày 31/1.
Sắc lệnh này cho phép miễn truy tố hình sự và không áp dụng án tù đối với các vụ việc tham nhũng có số tiền dưới 200.000 lei (khoảng 48.000 USD), được cho là sẽ giúp hàng chục chính trị gia Romania, trong đó có lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cầm quyền tại Romania - ông Liviu Dragnea, thoát tội sau khi bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước.
Lập trường cứng rắn của Chính phủ Romania đã dẫn tới một loạt các cuộc biểu tình rầm rộ trong những ngày qua.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2014-2016 tại Romania, có hơn 1.170 người đã bị kết tội lợi dụng chức quyền, trong khi các công tố viên đang tiến hành điều tra hơn 2.000 trường hợp khác.
Đáng lưu ý trong năm 2015, có tới 27 quan chức bao gồm Thủ tướng Victor Ponta cùng 16 nghị sỹ, đã phải hầu tòa./.