Robot hướng dẫn viên du lịch - phần mềm sáng tạo của học sinh Hà Nội

Nhóm học sinh Hà Nội đã thiết kế mô hình “Robot hướng dẫn viên du lịch” hỗ trợ du khách trong và ngoài nước thăm quan các địa danh ở Việt Nam “qua màn hình.”
Robot hướng dẫn viên du lịch - phần mềm sáng tạo của học sinh Hà Nội ảnh 1Nhóm tác giả bên mô hình robot - sản phẩm đoạt giải Nhất trong cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng Thủ đô năm 2021. (Nguồn: nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn)

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt trong đời sống, kinh tế-xã hội... trong đó ngành công nghiệp không khói “Du lịch-Lữ hành” chịu tác động nghiêm trọng.

Theo thống kê trong 2 năm qua, Việt Nam đã có tới 90% các công ty du lịch- lữ hành phải tạm dừng hoạt động, sa thải nhân viên... do du khách trong và ngoài nước không thể tới Việt Nam du lịch.

Trước thực trạng đó, nhóm học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông tại Hà Nội đã thưc hiện đề tài “Robot hướng dẫn viên du lịch” hỗ trợ du khách trong và ngoài nước thăm quan các địa danh ở Việt Nam “qua màn hình” và sắp xếp lịch trình di chuyển sẵn để thăm quan Việt Nam khi đại dịch COVID-19 qua đi.

Đề tài này đã đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 17 do Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Việt Nam (Vifotec), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

[Nghiên cứu vòi voi đem lại đột phá lớn cho ngành chế tạo người máy]

Theo học sinh Nguyễn Gia Huy, lớp 10 Tin A2 Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm đã thiết kế một sa bàn Việt Nam gồm 2 phần chính là hình ảnh “chữ S Việt Nam” và mô hình 3D các địa danh Lăng Bác, Kinh thành Huế, Nhà thờ Đức Bà - địa danh nổi tiếng đại diện 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Tại mỗi mô hình Lăng Bác, Kinh thành Huế, Nhà thờ Đức Bà, nhóm nghiên cứu gắn thêm các dây đèn led để làm sinh động thêm từng mô hình trong khi “trợ lý ảo” giới thiệu về mô hình đó.

Sa bàn Việt Nam được làm từ bìa fomex và bìa carton với kích thước 1200x800x200 mm (dài x rộng x cao).

Để làm sinh động hơn mô hình, học sinh Nguyễn Huy Hoàng, lớp 7 A11 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, Đống Đa, Hà Nội, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết nhóm đã quyết định làm một chú robot đặt cạnh “Sa bàn Việt Nam” giống như một “hướng dẫn viên.”

Chú robot này được chế tạo bằng khung sắt, mặt trước của robot là tấm fomex in hình màu, xung quanh robot được ốp các tấm aluminum màu trắng, bên dưới khung có 4 bánh xe nên dễ dàng di chuyển robot có kích thước 500x1030x1200mm (dài x rộng x cao).

Hệ thống máy tính và hệ thống mạch điện điều khiển được đặt trong robot. Màn hình giao tiếp đặt ở phần thân robot.

Cơ sở dữ liệu của phần mềm được chia thành 3 phần chính: phần 1 là bộ câu hỏi ngẫu nhiên về các địa danh du lịch của Việt Nam với 2 ngôn ngữ: tiếng Anh và tiếng Việt; phần 2 là bộ câu trả lời tương ứng với mỗi câu hỏi với 2 ngôn ngữ: tiếng Anh và tiếng Việt; phần 3 là bộ hình ảnh, video tương ứng với bộ câu hỏi-câu trả lời.

Khâu khó nhất trong quá trình thực hiện chính là lập trình “Robot hướng dẫn viên du lịch” hoạt động gồm: xử lý giọng nói của người sử dụng; tìm câu trả lời, hình ảnh, video tương ứng; giao diện người dùng.

Sau khi xây dựng xong cơ sở dữ liệu, nhóm nghiên cứu đã sử dụng ngôn ngữ lập trình Python, trình biên dịch code Visual studio để tiến hành xây dựng thuật toán và giao diện cho phần mềm.

Khi người dùng bắt đầu giao tiếp với "Robot hướng dẫn viên du lịch" thì công việc đầu tiên của phần mềm là thu nhận tín hiệu âm thanh, sau đó xử lý tín hiệu.

Nếu như nội dung câu hỏi của người dùng có độ trùng khớp hơn 60% các từ khoá tìm kiếm so với bộ câu hỏi có trong cơ sở dữ liệu thì sẽ được coi là trùng khớp câu hỏi.

Sau khi đã nhận dạng và tìm ra được câu hỏi tương thích với nội dung câu hỏi của người dùng, phần mềm sẽ tự động tìm ra câu trả lời, hình ảnh và video tương ứng có trong bộ câu trả lời, bộ hình ảnh và video trong cơ sở dữ liệu đã có.

Đồng thời, từ khóa về địa danh đang được nhắc tới sẽ được phần mềm truyền xuống vi điều khiển Arduino, nhằm nhiệm vụ bật tắt các dây đèn led tương ứng với địa danh đó.

Em Nguyễn Gia Huy chia sẻ: "Chúng em hy vọng ý tưởng chế tạo Robot hướng dẫn viên du lịch sẽ được ứng dụng trong thực tế và tiếp tục được nâng cấp chương trình, bổ sung nguồn dữ liệu để trở thành người bạn đồng hành của du khách không chỉ trong mà cả sau khi dịch COVID-19 qua đi. Hiện nay, chúng em đang lập trình để tạo được phần mềm Robot hướng dẫn viên du lịch chạy trên hệ điều hành Android. Qua đó, sẽ tăng tính phổ biến và dễ dàng tiếp cận với người sử dụng hơn nữa.”

Đánh giá về đề tài này, Tiến sỹ Phạm Văn Nam, Trưởng tiểu ban đồ dùng học tập tại Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 17, cho rằng phần mềm robot hướng dẫn viên du lịch có thể dễ dàng sử dụng, cài đặt trên máy tính và các thiết bị điện tử để tăng tính tương tác với người sử dụng, tránh sự nhàm chán so với các từ điển du lịch điện tử đang được triển khai trên thị trường.

Giao diện phần mềm sinh động, dễ hiểu, phù hợp với mọi lứa tuổi; bộ cơ sở dữ liệu đa dạng, phong phú, có thể dễ dàng thêm hoặc bớt để tăng tính cập nhật mới về tin tức du lịch-lữ hành cho du khách và bạn bè quốc tế.

Đồng thời, mô hình này hoàn toàn có thể lắp đặt thực tế tại các nơi công cộng, các địa điểm du lịch, sân bay, bến cảng để du khách và bạn bè quốc tế có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin du lịch về Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục