Rò rỉ tài liệu dự báo thiệt hại của Anh nếu Brexit 'cứng'

Theo tài liệu bị rò rỉ này, hoạt động thương mại sẽ bị gián đoạn, Anh sẽ bị thiếu thực phẩm, thuốc men và có thể xảy ra tình trạng bất ổn dân sự.
Ảnh minh họa. (Nguồn: news.sky.com)

Theo ft.com/Đài BBC, chiến dịch Yellowhammer, kế hoạch của chính phủ Anh cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận, đã vẽ ra một bức tranh ảm đảm trong nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng sau khi Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận.

Theo tài liệu bị rò rỉ này, hoạt động thương mại sẽ bị gián đoạn, Anh sẽ bị thiếu thực phẩm, thuốc men và có thể xảy ra tình trạng bất ổn dân sự.

Chính phủ của Thủ tướng Boris Johsnon không đồng tình với những kết luận trong tài liệu nói trên, cho rằng tài liệu này chỉ là viễn cảnh tồi tệ nhất do chính phủ cũ vạch ra và 2 tỷ bảng Anh đã được bỏ ra để nước Anh chuẩn bị tốt hơn cho khả năng Brexit không có thỏa thuận.

Tuy nhiên, như những gì thể hiện trong tài liệu bị rò rỉ, có một số lĩnh vực có khả năng sẽ bị gián đoạn mà chính phủ Anh không thể tự mình giảm nhẹ được.

Trang mạng của tờ Financial Times đã tóm tắt một số kết luận chính của tài liệu bị rò rỉ như sau:

- Thương mại xuyên eo biển: Chính phủ Anh cho rằng Pháp sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát hàng hóa ngay ngày đầu tiên của Brexit không thỏa thuận xảy ra, nhấn mạnh rằng Pháp đã có cơ sở hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin để sẵn sàng quản lý hoạt động hải quan. Khoảng 50-85% xe tải đi từ Calais (Pháp) đến Dover (Anh), còn được biết đến là "những eo biển ngắn", sẽ bị gián đoạn. Điều này sẽ làm giảm lưu lượng giao thông từ 40-60% so với mức lưu thông hiện nay trong vòng 24 giờ.

- Thuốc men và y tế: Trong một viễn cảnh tồi tệ nhất, việc giảm dòng chảy thương mại ở eo biển ngắn giữa Anh và Pháp có thể kéo dài 6 tháng, điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động cung cấp thuốc men. Tài liệu Yellowhammer cho rằng 3/4 số thuốc men được vận chuyển qua tuyến đường biển Dover-Calais, khiến cho thuốc trở thành mặt hàng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng nếu xảy ra tình trạng bị giám đoạn. Mặc dù một số loại thuốc có thể được dự trữ, song tài liệu bị rò rỉ kết luận: "Việc dự trữ các nguồn cung cho 6 tháng sẽ là không thực tế."

- Lương thực và nước: Tài liệu bị rò rỉ cho rằng những nguồn cung cấp của một số thực phẩm tươi sống sẽ giảm xuống. Về tổng thể sẽ không xảy ra tình trạng bị thiếu, nhưng tình trạng sẵn có và lựa chọn của người dân sẽ bị giảm xuống và giá cả chắc chắn sẽ tăng lên. Mùa sinh trưởng ở Anh sắp kết thúc, điều này sẽ làm tăng sức ép đối với chuỗi cung ứng. Tài liệu có đoạn: "Chính phủ sẽ không thể lường trước mọi tác động đối với chuỗi cung ứng nông nghiệp-thực phẩm. Có rủi ro xảy ra việc thu mua trong hoảng loạn, dẫn tới việc làm gián đoạn các nguồn cung cấp thực phẩm."

- Kiểm tra biên giới: Tăng cường kiểm tra nhập cảnh có thể sẽ được thực hiện sau khi Brexit không thỏa thuận xảy ra, khiến hành khách bị trì hoãn ở ga St Pancras (London) - nơi bắt tàu Eurostar, ở Đường hầm eo biển (nối Anh với Pháp), và ở Dover.

Tài liệu Yellowhammer cho rằng việc hành khác bị trì hoãn tại các sân bay cũng sẽ tăng lên. Tác động của Brexit đối với các đường biên giới nghiêm trọng tới mức nào một lần nữa sẽ phụ thuộc vào cách các nước thành viên EU quyết định hành động ra sao.

Thủ tướng Anh Boris Johnson trong bài phát biểu tại London ngày 24/7/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

- Dữ liệu: Các quan chức Anh đánh giá rằng dòng chảy dữ liệu cá nhân từ EU sẽ bị gián đoạn, vì nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận thì sẽ không có cơ sở pháp lý nào cho việc trao đổi những dữ liệu như vậy. Chia sẻ thông tin vì mục đích tăng cường thực thi pháp luật cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tài liệu này cho rằng một số dịch vụ tài chính xuyên eo biển sẽ bị gián đoạn.

- Trật tự dân sự: Chính phủ Anh dự đoán sẽ xảy ra các cuộc biểu tình và chống biểu tình liên quan tới Brexit không thỏa thuận, từ đó làm gia tăng tình trạng mất trật tự và căng thẳng trong xã hội.

- Nhiên liệu: Việc bị trì hoãn ở biên giới, đặc biệt là ở Kent, có thể gây gián đoạn hoạt động phân phối nhiên liệu. Kế hoạch của chính phủ Anh về việc áp thuế nhập khẩu nhiên liệu 0% có thể dẫn tới việc đóng cửa hai nhà máy lọc dầu và khiến 2.000 người bị mất việc.

- Đánh bắt cá: Sẽ có tới 282 tàu đánh bắt cá từ EU và các nước trong Khu vực Kinh tế châu Âu tìm cách vào vùng biển của Anh một cách trái phép sau khi Brexit không thỏa thuận xảy ra. Văn bản Yellowhammer cho rằng điều này "chắc chắn gây nguy hiểm và lo ngại cho ngành đánh bắt hải sản của Anh, điều có thể cuối cùng sẽ dẫn tới xung đột giữa các tàu đánh cá."

- Bắc Ireland: Chính phủ Anh không mong muốn đường biên giới cứng quay trở lại ngay sau khi Brexit không thỏa thuận xảy ra, nhưng cơ chế "không có thêm điểm kiểm tra mới với những ngoại lệ hạn chế" sẽ không bền vững. Thuế quan và các thủ tục kiểm tra của EU sẽ ngay lập tức được áp dụng, làm gián đoạn hoạt động thương mại với Ireland. Tài liệu Yellowhammer cho rằng một số thương nhân sẽ di chuyển sang nước khác trong khi những người khác có thể bị phá sản, đặc biệt những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp-thực phẩm.

Chính phủ Anh dự đoán có thể sẽ ra các cuộc biểu tình ở Ireland.

- Quyền công dân: Công dân EU ở Anh sẽ vẫn được duy trì các quyền hiện nay của họ. Tuy nhiên, những người mang quốc tịch Anh ở EU chắc chắn sẽ mất dần các quyền của họ theo thời gian. Trong tài liệu bị rò rỉ, các quan chức Anh thúc giục các công dân Anh ở nước ngoài chuẩn bi tinh thần và cảnh báo rằng những yêu cầu đối với chính phủ về việc hỗ trợ các thủ tục hành chính sẽ "tăng lên rất nhiều."

- Gibraltar: Do có biên giới chung với Tây Ban Nha, Gibraltar có thể sẽ giống với Anh, bị gián đoạn không chỉ nguồn cung hàng hóa mà còn cả nhân công. Tài liệu cũng dự đoán nền kinh tế của Gibraltar sẽ bị ảnh hưởng lâu dài. Tuy nhiên, chính phủ Gibraltar đã bác bỏ viễn cảnh này, cho rằng tài liệu Yellowhammer bị rò rỉ đã lỗi thời và nhiều vấn đề đã được giải quyết.

- Những tác động về mặt ngoại giao: Qua một đêm, Anh sẽ từ một thành viên đầy đủ của EU trở thành "nước thứ ba." Tài liệu Yellowhammer cho rằng cả Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên EU nhìn chung sẽ không cảm thông với những ảnh hưởng mà Anh phải gánh chịu, và "không sẵn sàng song phương can dự với Anh và đơn phương thực hiện các biện pháp bảo vệ." Ngoài một thỏa thuận tương hỗ với Ireland về việc hợp tác trong lĩnh vực an ninh xã hội, Anh chưa có thỏa thuận nào khác với các quốc gia thành viên EU đơn lẻ.

Chính phủ và các đảng phái, nghị sỹ nói gì?

Chính phủ nói tài liệu này không phải là những gì nội các dự kiến sẽ xảy ra, nhưng các chương trình được phác thảo đang được xem là một phần của sự chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Vụ rò rỉ xảy ra khi Thủ tướng Anh chuẩn bị tới Berlin để gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel vào ngày 21/8 và gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris ngày 22/8. Ông dự kiến sẽ nói rằng Quốc hội Anh không thể và sẽ không thay đổi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 và khẳng định phải có một thỏa thuận mới để thay thế Thỏa thuận đưa Anh rời EU của bà Theresa May- vốn đã bị các nghị sĩ đánh bại ba lần- nếu Anh rời khỏi EU có thỏa thuận.

Tuy nhiên, người ta cho rằng nhiều khả năng các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận các vấn đề như chính sách đối ngoại, an ninh, thương mại và môi trường, trước hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tuần tới.

Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đã nhắc lại lời kêu gọi các nghị sĩ hợp tác để ngăn chặn Brexit không có thỏa thuận. Nói với báo The Observer, ông Corbyn cho biết kế hoạch của ông đảm nhiệm ghế “Thủ tướng lâm thời” sẽ chính là “cách thức đơn giản và dân chủ nhất để ngăn chặn việc không có thỏa thuận.”

Ông nói: “Chúng ta phải nắm bắt cơ hội trước khi quá muộn, vì vậy người dân, thay vì một thủ tướng không được lựa chọn, có thể quyết định tương lai của đất nước chúng ta.”

Nhà lãnh đạo Công đảng đối lập nói ông sẽ trì hoãn Brexit, kêu gọi mở một cuộc bầu cử nhanh chóng và vận động cho một cuộc trưng cầu dân ý khác với tư cách là một “Thủ tướng lâm thời.”

Một số nghị sỹ của đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ Tự do đã bác bỏ đề xuất của ông, mặc dù đề xuất đã giành được sự ủng hộ tiềm năng của các đảng SNP và Plaid Cymru. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Lib Dem, Jo Swinson, nói ông Corbyn là “gây chia rẽ” và thay vào đó đề nghị rằng nghị sỹ đảng Bảo thủ Ken Clarke hoặc cựu lãnh đạo Công đảng Harriet Harman có thể lãnh đạo một chính phủ tạm thời.

Trong khi đó, trong một bức thư mà báo Mail on Sunday đọc được, ông Johnson đã cảnh báo các nghị sỹ đảng Bảo thủ nổi loạn rằng sự phản đối của họ đối với Brexit không có thỏa thuận đang làm tổn hại đến triển vọng có được một thỏa thuận mới. Ông nói hiển nhiên rằng EU sẽ “không thỏa hiệp một khi họ tin rằng có một khả năng dù mờ nhạt nhất là Quốc hội Anh có thể chặn Brexit vào ngày 31/10 tới.”

Trong khi đó, một nhóm đa đảng gồm hơn 100 nghị sỹ đã kêu gọi Thủ tướng Johnson triệu tập Quốc hội và để cho các nghị sỹ làm việc liên tục cho đến khi nước Anh rời khỏi EU. Trong một lá thư, các nghị sỹ nói: “Chúng ta đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp quốc gia, và Quốc hội phải được triệu tập ngay trong tháng 8 và ngồi làm việc thường trực cho đến ngày 31/10, để tiếng nói của người dân có thể được lắng nghe, và để có thể có sự theo dõi kỹ lưỡng đối với chính phủ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục