REV-ECIT 2019: Thúc đẩy phát triển thông tin di dộng 5G và ứng dụng

Với chủ đề “Thúc đẩy phát triển thông tin di dộng 5G và ứng dụng,” hội nghị REV-ECIT 2019 thu hút sự tham gia của 200 đại biểu trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
REV-ECIT 2019: Thúc đẩy phát triển thông tin di dộng 5G và ứng dụng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 7/12, tại Hà Nội, Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam tổ chức Hội nghị Quốc gia lần thứ 22 về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin (viết tắt là REV-ECIT 2019).

Năm 2019, với chủ đề “Thúc đẩy phát triển thông tin di dộng 5G và ứng dụng,” hội nghị thu hút sự tham gia của 200 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành trung ương, các hội, hiệp hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết báo cáo trình bày trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ các ưu tiên trọng tâm của ngành công nghệ thông tin.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần phát triển hạ tầng số trên nền tảng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, đồng hành cùng thế giới đưa mạng 5G vào hoạt động với thiết bị sản xuất trong nước.

[Cisco: Việt Nam sẽ có hơn 6,3 triệu thuê bao 5G vào năm 2025]

Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, từng bước tiến đến làm chủ các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi số sang nền kinh tế số.

Cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đẩy mạnh các chính sách mới, phương thức thực thi mới để phát triển ngành công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của đất nước.

Để hỗ trợ việc xây dựng và triển khai hiệu quả các chính sách, Thứ trưởng Phan Tâm đề cập đến việc cần tăng cường nghiên cứu, phát triển các công nghệ phục vụ việc triển khai cung cấp dịch vụ 5G thương mại ở Việt Nam; nghiên cứu, phát triển sản xuất thiết bị đầu cuối 5G, thiết bị 5G. Đồng thời nghiên cứu học thuật về các công nghệ hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông băng thông rộng, các công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Việt Nam cũng cần nghiên cứu quy hoạch tần số cho mạng thông tin di dộng thế hệ mới, cho các sản phẩm, giải pháp Internet kết nối vạn vật.

Chủ tịch Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam Trần Đức Lai nhấn mạnh: “Các bước tiến mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều lợi ích lớn nhưng kèm với đó là các bài toán được đặt ra đối với các nhà quản lý cũng như các nhà phát triển mạng 5G tại Việt Nam. Hội nghị này là cơ hội để lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và các nhà phát triển trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp cũng như kiến nghị, đề xuất chính sách lên Đảng, Nhà nước đối với định hướng phát triển mạng 5G tại nước ta.”

Tại các phiên kỹ thuật, các đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các diễn giả đã trình bày các báo cáo khoa học, các công trình nghiên cứu, thảo luận về thực trạng, các định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ trong các lĩnh vực về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin.

Tại phiên diễn đàn, trên cơ sở các báo cáo từ các tập đoàn sản xuất thiết bị phục vụ cho phát triển mạng 5G, đại diện các đơn vị trao đổi các bước chuẩn bị thiết yếu cho việc phát triển mạng 5G tại Việt Nam cũng như việc khai thác các lợi thế khi mạng này được phủ sóng rộng khắp trên cả nước.

Đại diện 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông cũng mang đến các giải pháp, sản phẩm để giới thiệu với các nhà khoa học cũng như các đơn vị truyền thông để có những trao đổi học thuật hướng đến hoàn thiện cho phát triện mạng 5G ở Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục