Mới đây, Reuters tuyên bố sẽ lập một nhóm mới tập hợp các nhà nghiên cứu để tham gia chương trình kiểm tra thực tế bên thứ ba của Facebook.
Nhóm này sẽ bao gồm hai chuyên gia tiếng Anh và hai chuyên gia tiếng Tây Ban Nha. Công việc của họ là xem xét các tiêu đề tin tức, hình ảnh do người dùng tạo ra, video và các nội dung khác được chia sẻ trên Facebook và Instagram.
Nhóm cũng sẽ gắn cờ các bài đăng sai hoặc gây hiểu lầm và định kỳ thêm các ví dụ về các bài đăng không đáng tin cậy vào một blog có tên "Reuters Fact Check Case Studies."
[Mega Story] Chặn đà lây lan nguy hiểm của "virus" tin giả
Chương trình kiểm tra thực tế bên thứ ba của Facebook triển khai lần đầu tiên vào năm 2016, sau khi mạng xã hội lớn nhất thế giới bị chỉ trích vì đóng vai trò thúc đẩy quá trình cực đoan chính trị thông qua việc tuyên truyền và phát tán thông tin không được kiểm soát.
Đội ngũ những người kiểm tra thực tế của Reuters sẽ tham gia một nhóm lớn hơn bao gồm các nhà nghiên cứu từ hãng tin AP, tổ chức phi lợi nhuận PolitiFact và trang FactCheck.org.
"Việc mở rộng chương trình kiểm tra thực tế của chúng tôi là một phần quan trọng trong công việc của chúng tôi nhằm chống lại thông tin sai lệch," ông Keren Goldshlager - phụ trách quan hệ đối tác của Facebook cho biết.
"Chúng tôi rất vui mừng khi Reuters tham gia vào quan hệ đối tác của chúng tôi và chúng tôi sẽ được hưởng lợi sâu sắc từ chuyên môn của họ trong việc xác minh trực quan những nội dung do người dùng tạo ra."
Reuters trước đây đã hợp tác với Facebook trong một chương trình năm 2018 để giúp các hãng tin tức địa phương xác định video, âm thanh và hình ảnh bị thao túng, làm giả để tránh bị lừa từ các nguồn không đáng tin cậy./.