Reuters: Đà giảm của giá dầu có thể chậm lại vì rủi ro nguồn cung

Theo kết quả cuộc khảo sát do Reuters thực hiện, 42 nhà kinh tế và nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 100,45 USD/thùng trong năm nay và 93,70 USD/thùng vào năm 2023.
Reuters: Đà giảm của giá dầu có thể chậm lại vì rủi ro nguồn cung ảnh 1Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Essen, Đức ngày 8/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters công bố ngày 30/9 cho hay đà sụt giảm gần đây của giá dầu có thể chậm lại trong quý 4/2022 và sang đầu năm 2023, khi trọng tâm chuyển từ lo ngại về một cuộc suy thoái sang nhu cầu thắt chặt nguồn cung toàn cầu.

Theo kết quả cuộc khảo sát do Reuters thực hiện, 42 nhà kinh tế và nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 100,45 USD/thùng trong năm nay và 93,70 USD/thùng vào năm 2023.

Hai mức trên đều giảm so với ước tính lần lượt là 103,93 USD/thùng và 96,67 USD/thùng vào tháng Tám. Dù vậy, chúng vẫn cao hơn nhiều so với mức hiện tại.

[OPEC+ khởi động các cuộc thảo luận về cắt giảm sản lượng]

Dầu Brent hiện đang được giao dịch quanh mức 90 USD/thùng - thấp hơn rất nhiều so với mức 120-130 USD/thùng đạt được hồi đầu năm sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga liên quan đến tình hình Ukraine.

Sau cú sốc trên, việc đồng USD tăng giá và khả năng xảy ra suy thoái kinh tế đã phần nào kéo giá “vàng đen” đi xuống.

Cũng theo cuộc thăm dò, giá dầu thô của Mỹ được dự báo đạt trung bình 95,73 USD/thùng vào năm 2022 và 88,70 USD/thùng vào năm tới. Mức này thấp hơn đáng kể so với dự báo lần lượt là 99,91 USD/thùng và 92,48 USD/thùng vào tháng trước, nhưng cao hơn nhiều so với mức giá hiện tại là khoảng 80 USD/thùng.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho biết lo ngại suy thoái có thể chỉ ảnh hưởng đến giá dầu trong ngắn hạn, sau đó thị trường sẽ chuyển trọng tâm sang vấn đề nguồn cung.

Chia sẻ quan điểm tương tự, nhà phân tích Ole Hvalbye của ngân hàng Thụy Điển SEB cho biết các vấn đề bên cung sẽ tồi tệ hơn các vấn đề bên cầu, trừ khi có một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Các nhà phân tích còn cho biết cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ tiếp tục mang tính quyết định, đặc biệt là sau lệnh cấm nhập khẩu gần như hoàn toàn của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô của Nga từ tháng 12 tới.

Ngoài những rủi ro về nguồn cung có thể xảy ra, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) có thể thông báo cắt giảm sản lượng vào ngày 5/10.

Hiện giới phân tích ước tính nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt khoảng 101-102 triệu thùng/ngày vào năm 2023, sau khi đạt mức trung bình 98,5-101,5 triệu thùng/ngày trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục