Rét đậm rét hại dưới 10 độ C, chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển

Từ đêm 26/12, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét, nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 12-15 độ C, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại với nhiệt độ dưới 10 độ C.

Người dân đốt lửa sưởi ấm trên hè phố. (Ảnh: Phạm Tuấn Anh/TTXVN)
Người dân đốt lửa sưởi ấm trên hè phố. (Ảnh: Phạm Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 25/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản số 9885/BNN-ĐĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang về việc chủ động ứng phó với không khí lạnh tăng cường, rét và gió mạnh trên biển.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ đêm 26/12, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét, nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 12-15 độ C, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại với nhiệt độ dưới 10 độ C.

Vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc Biển Đông, giữa Biển Đông, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động, sóng cao từ 3-6m.

Để chủ động ứng phó với không khí lạnh tăng cường, rét và gió mạnh trên biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến đợt không khí lạnh tăng cường, rét và thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền cơ sở, nhân dân chủ động phòng tránh.

Các địa phương rà soát phương án ứng phó với rét; hướng dẫn bảo đảm sức khỏe cho người dân, không dùng bếp than sưởi ấm trong phòng kín để tránh thiệt hại về người; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, dự trữ thức ăn; phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa, rau màu, cây trồng khác.

Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Kiên Giang theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của gió mạnh trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các địa phương nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục