Renault bổ nhiệm lãnh đạo mới, hy vọng duy trì liên danh với đối tác

Hãng sản xuất ôtô Renault SA của Pháp đã thông báo bổ nhiệm Giám đốc điều hành Thierry Bollore làm Phó Tổng Giám đốc điều hành của hãng này.
Renault bổ nhiệm lãnh đạo mới, hy vọng duy trì liên danh với đối tác ảnh 1Ông Thierry Bollore. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Hãng sản xuất ôtô Renault SA của Pháp ngày 20/11 đã thông báo bổ nhiệm Giám đốc điều hành Thierry Bollore làm Phó Tổng Giám đốc điều hành của hãng này.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Carlos Ghosn - người đồng thời là chủ tịch liên danh 3 hãng Nissan, Renault và Mitsubishi, vừa bị bắt tại Nhật Bản với tội danh gian lận tài chính.

Trong thông báo đưa ra sau cuộc họp hội đồng quản trị, hãng Renault nêu rõ: "Ông Ghosn tạm thời mất quyền quản lý hãng, nhưng vẫn duy trì cương vị Chủ tịch và Giám đốc điều hành."

[Nissan xác nhận họp hội đồng quản trị để sa thải Chủ tịch Carlos Ghosn]

Renault đồng thời khẳng định vẫn duy trì liên danh với 2 hãng xe Nissan và Mitsubishi, mặc dù các đối tác của Nhật Bản nhất trí sẽ kiến nghị bãi nhiệm ông Ghosn tại các cuộc họp hội đồng quản trị dự kiến diễn ra vào ngày 22/11 và trong tuần tới.

Renault cũng cho biết sẽ yêu cầu Nissan cung cấp tất cả thông tin mà hãng xe Nhật Bản thu thập được liên quan cuộc điều tra quốc tế đối với ông Ghosn.

Theo báo Financial Times của Anh, ông Ghosn đã lên kế hoạch sáp nhập Renault - hãng xe nhà nước Pháp có 15% cổ phần, và Nissan trước khi ông bị bắt giữ, bất chấp sự phản đối của các giám đốc điều hành tại hãng xe Nhật Bản này.

Dẫn lời một nguồn tin thân cận với Nissan, tờ báo trên cho biết thương vụ sáp nhập có thể diễn ra "trong vài tháng tới."

Hôm 19/11, nhà chức trách Nhật Bản đã bắt giữ ông Ghosn với cáo buộc vi phạm Luật quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính của nước này, thao túng các hồ sơ tài chính và báo cáo không đầy đủ thu nhập cá nhân.

Theo các công tố viên Tokyo, ông Ghosn bị nghi báo cáo thu nhập tại Nhật Bản thấp hơn so với thực tế 5 tỷ yen (tương đương 44 triệu USD) từ năm 2011.

Nếu bị kết tội, ông Ghosn sẽ đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù và bị phạt 10 triệu yen (hơn 88.000 USD).

Giám đốc đại diện của Nissan Greg Kelly hiện cũng đã bị bắt giữ vì bị tình nghi vi phạm luật tài chính.

Mặc dù vậy, ngày 20/11, Chính phủ Pháp - cổ đông lớn nhất của hãng Renault, cho biết không tìm thấy chứng cứ về việc ông Carlos Ghosn gian luận thuế ở nước này.

Phát biểu trên đài phát thanh France Info, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết ông đã chỉ đạo cơ quan chức năng nước này thẩm tra vấn đề thuế của ông Ghosn ngay khi nắm được thông tin ông này bị bắt giữ tại Nhật Bản, song "không thấy có gì bất thường" trong việc nộp thuế của ông Ghosn tại Pháp.

Ông Carlos Ghosn (mang 3 quốc tịch Pháp, Brazil và Liban) được xem là nhân vật giữ vai trò quan trọng trong việc giúp hãng Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như hỗ trợ hãng Mitsubisi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút sau khi hãng bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu.

Ông Ghosn gia nhập hãng Renault năm 1996 và là người có công giúp hãng này chuyển lỗ thành lãi nhờ chính sách cắt giảm mạnh tay.

Ba năm sau, ông đảm nhiệm vai trò CEO của Nissan trong bối cảnh hãng này đứng bên bờ vực phá sản. Liên minh Renault-Nissan từ đó cũng ra đời.

Tháng 4/2016, CEO Mitsubishi Motors Osamu Masuko đề nghị ông Ghosn hồi sinh hãng xe sau bê bối nhiên liệu.

Ông này sau đó đã quyết định thâu tóm 34% cổ phần Mitsubishi để trở thành cổ đông lớn nhất. Sau thương vụ trên, Mitsubishi cũng chính thức gia nhập liên minh Renault-Nissan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục