Rèn luyện sức khỏe trên đường cao tốc, đặt cược tính mạng cho tử thần?

Trong khoảng hơn 1 tiếng, có hơn 30 lượt người tập thể dục chạy bộ dọc 2 bên làn cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. nhiều người thậm chí vác cả xe đạp thể thao qua hàng rào để đạp xe trên tuyến đường này.

Hàng ngày, vào mỗi buổi sáng từ 6-7 giờ và chiều từ 17-18 giờ, trên địa bàn xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội - nơi có đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên (Quốc lộ 3 mới) chạy qua, thường xuyên có tình trạng một số người dân thản nhiên vượt rào, chạy bộ, tập thể dục diễn ra dọc 2 bên làn đường cao tốc này.

Theo quan sát của phóng viên VietnamPus, trong khoảng thời gian gần một tiếng, có hơn 30 lượt người tập thể dục chạy bộ qua đây, chủ yếu là dân địa phương sống gần đường cao tốc. Bên cạnh đó, có nhiều người thậm chí vác cả xe đạp thể thao qua hàng rào hộ lan để đạp xe trên tuyến đường cao tốc đã có quy định cấm phương tiện xe máy, xe thô sơ, người đi bộ.

Trao đổi với một số người dân lý do vì sao đã có quy định cấm đi bộ trên cao tốc mà vẫn vi phạm, phần đa ý kiến cho rằng chạy bộ trên đường cao tốc vừa rộng, lại thoáng, sạch sẽ nên chọn tập thể dục trên đây thay vì đường ở thôn, xã vốn bụi bẩn và nhiều ổ gà.

“Trên đường cao tốc cũng không có biển báo cấm người dân đi bộ, hơn nữa, thời gian chạy bộ hay đạp xe đều vào sáng sớm có rất ít xe chạy qua. Chính vì vậy mà hàng ngày nhiều người dân quanh khu vực chọn làm nơi để rèn luyện sức khỏe,” một người tập thể dục trên tuyến đường này cho biết.

Sau khi hoàn thành bài tập thể dục, vài người băng qua làn đường cao tốc để vào giữ dải phân cách giữa có thảm cỏ hoặc ngồi ngay trên lan can hàng rào hộ lan để… nghỉ ngơi hóng gió trời cho mát và lấy lại sức.

Rèn luyện sức khỏe trên đường cao tốc, đặt cược tính mạng cho tử thần? ảnh 1Tờ rơi đã có quy định cấm và được tuyên truyền cho người dân nhưng không phát huy tác dụng. (Ảnh: Bùi Lan/Vietnam+)

Là lái xe tải thường xuyên chạy trên tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, anh Nguyễn Văn Tuấn (Phú Lương, Thái Nguyên) cho biết, nhiều khi lưu thông trên cao tốc này, cánh tài xế thấy một số người dân vẫn đi xe đạp, đi bộ trên cao tốc. Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, không chỉ gây nguy hiểm với chính những người vi phạm mà còn cho người tham gia giao thông khác.

“Luật giao thông đường bộ đã có quy định cấm xe máy, xe thô sơ hoặc người đi bộ vào làn đường cao tốc mà không hiểu vì sao người dân vẫn không chấp hành. Với tốc độ cho phép điều khiển xe ôtô chạy 100km/giờ trên tuyến đường này, người cầm vô lăng không thể nào xử lý những tình huống bất ngờ khi người đi bộ hoặc xe đạp đi băng qua đường.... Chưa kể, trời chạng vạng buổi chiều tối, cánh lái xe rất khó quan sát với những trường hợp này vì đa phần không có cảnh báo hay đèn xe phản quang giống như ôtô để chủ động xử lý,” anh Tuấn thở dài nói.

Đại đa số lái xe khi được hỏi hành vi vi phạm này đều lắc đầu ngao ngán cho biết, nhiều người vì rèn luyện sức khỏe mà vẫn đặt cược tính mạng của mình trên đường cao tốc. “Tử thần” có thể “rình rập” cướp đi mạng sống bất kể lúc nào. Khi tai nạn xảy ra, người dân sẽ nguy hiểm đầu tiên và liên lụy đến cả lái xe và gia đình hai bên.

Theo ông Trần Đức Chiến, Phó Giám đốc Xí nghiệp số 2, Công ty cổ phần 238-đơn vị quản lý, khai thác và bảo trì tuyến Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên, thực trạng người dân tập thể dục trên tuyến đường cao tốc đã diễn ra nhiều năm nay. Ban quản lý hàng ngày vẫn có cán bộ túc trực và nhắc nhở người dân về sự nguy hiểm khi đi bộ hay đạp xe trên đường cao tốc.

“Mặc dù chưa có vụ tai nạn nào liên quan đến việc người dân chạy bộ nhưng hàng tuần và hàng tháng công ty vẫn có báo cáo về tình trạng này. Thế nhưng, vẫn chưa thể xử lý tận gốc được người dân thản nhiên vi phạm quy định về an toàn giao thông,” ông Chiến nhấn mạnh.

Để hạn chế và tránh rủi ro tai nạn giao thông, ông Chiến cũng cho biết, đơn vị quản lý cũng đã có những biện pháp như tuyên truyền bằng băng đĩa, loa tại địa phương; kết hợp với xã, huyện tổ chức các buổi tuyên truyền về an toàn giao thông trên tuyến cao tốc; phát tờ rơi cho người dân hiểu rõ luật để không vi phạm quy định. Công ty cũng kết hợp với xã lập biên bản các trường hợp vi phạm.

“Nếu như trước kia tình trạng này diễn ra phổ biến, nhiều người dân đi thể dục theo từng tốp thì hiện nay chỉ còn xuất hiện lác đác không nhiều. Tuy nhiên, cần phải có chế tài xử lý nghiêm những vi phạm này để đảm bảo tính mạng người dân và an toàn giao thông cho chủ xe lưu thông trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên,” ông Chiến khẳng định.

Bổ sung thêm, ông Vũ Xuân Bình, Phó giám đốc Xí nghiệp 2, Công ty cổ phần 238 cho biết thêm, mặc dù đơn vị quản lý tuyến đường cũng có sự phối kết hợp với địa phương đưa ra các biện pháp nhưng chưa phát huy hiệu quả và giải quyết vấn đề một cách triệt để nhất.

“Đơn vị quản lý, khai thác và bảo trì tuyến đường chỉ có những biện pháp tuyên truyền, còn xử lý vi phạm phải do địa phương quản lý. Vì vậy, công tác quản lý cũng như đảm bảo an toàn trên cao tốc gặp rất nhiều khó khăn,” ông Bình thừa nhận./.

Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên được khởi công từ tháng 11/2009 với tổng chiều dài 63,8km đi qua 3 địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Vào đầu năm 2014, dự án QL 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đã chính thức được thông xe kỹ thuật toàn tuyến, rút ngắn thời gian đi lại giữa hai địa phương xuống còn 1 giờ 20 phút so với trước đây. Hiện, tuyến đường có tốc độ khai thác từ 80km/giờ lên 100km/giờ.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản với tổng số hơn 6.600 tỷ đồng và vốn đối ứng Việt Nam là 3.340 tỷ đồng.
Rèn luyện sức khỏe trên đường cao tốc, đặt cược tính mạng cho tử thần? ảnh 2Có hàng rào hộ lan nhưng người dân vẫn vượt rào để đi bộ tập thể dục hay đạp xe đạp trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. (Ảnh: Bùi Lan/Vietnam+)
(Vietnam+)