Ready Player One - Đấu trưởng ảo mãn nhãn đến từng khung hình

Sau một "The Post" được đề cử Oscar 2018, phù thủy kỹ xảo Steven Spielberg tiếp tục mang đến cho công chúng yêu điện ảnh bom tấn "Ready Player One" với những khung hình mãn nhãn.
Ready Player One - Đấu trưởng ảo mãn nhãn đến từng khung hình ảnh 1Một cảnh trong phim Ready Player One. (Nguồn: Bloody Disgusting)

Không phải ngẫu nhiên mà ở tuổi 71, Steven Spielberg vẫn là một tượng đài sừng sững của làng giải trí thế giới. Ở cái tuổi mà nhiều đạo diễn cùng lứa đã không còn giữ được phong độ, Spielberg vẫn khao khát tìm hiểu những trào lưu công nghệ có thể áp dụng vào phim ảnh, không ngừng nghiên cứu những kịch bản mới và xem mỗi lần tới rạp phim như một "trải nghiệm kỳ diệu."

Những người được hưởng lợi nhất từ tình yêu điện ảnh bất diệt của Spielberg là khán giả. Sau một "The Post" được đề cử Oscar 2018 là bom tấn "Ready Player One" (tựa Việt là Đấu Trường Ảo) - một cuộc phiêu lưu kỳ thú, đầy ắp năng lượng mà vẫn không kém phần nhân văn. Nói tóm gọn lại, một bom tấn "made by Spielberg" với những dấu ấn không thể nhầm lẫn từ nhà làm phim huyền thoại này.

Thế giới ảo với trí tưởng tượng vô hạn

"Ready Player One" là tác phẩm được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của tác giả Ernert Cline. Bối cảnh phim được đặt vào năm 2045, khi nhân loại đối mặt với đủ vấn đề: ô nhiễm môi trường, nghèo đói, bùng nổ dân số... Để quên đi thực tại, hầu như mọi người đều có cuộc sống thứ hai trong thế giới thực tế ảo OASIS.

Đây là thế giới do nhà sáng chế James Halliday (Mark Rylance thủ vai) tạo ra, nơi mà con người có thể trở thành bất cứ thứ gì họ muốn, làm bất cứ thứ gì họ thích. Một anh chàng mọt sách ngoài đời có thể trở thành siêu anh hùng, một cô bé rụt rè có thể hóa thân thành nữ chiến binh... trong thế giới của OASIS. Với hấp lực ma thuật ấy, OASIS trở thành rường cột của nền kinh tế thế giới.

Sau khi James Halliday qua đời, bản di chúc do ông để lại hé lộ rằng có một Quả Trứng Phục Sinh (Easter Egg) trong thế giới OASIS do Halliday cất giấu và ai tìm ra quả trứng ấy sẽ nắm quyền sở hữu toàn bộ OASIS. Ba chiếc chìa khóa bí mật được Halliday cài cắm trong thế giới ảo sẽ dẫn người chơi tới với quả trứng ấy. Di chúc của Halliday tạo thành một cơn sốt toàn cầu, khiến người chơi đổ xô đi tìm những manh mối từ cuộc đời của Halliday nhằm tìm ra "Chén Thánh." 

Tuy nhiên đã 5 năm trôi qua từ ngày Halliday ra đi, vẫn chưa ai tìm được dù chỉ một chiếc chìa khóa. Cho tới một ngày nọ, nhân vật Parzival của anh chàng Wade Watts (Tye Sheridan) bất ngờ tìm được chiếc chìa khóa đầu tiên. Cậu lập tức trở thành mục tiêu cần ngăn chặn của tập đoàn IOI của gã Nolan Sorrento (Ben Mendelsohn) - kẻ sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để kiểm soát được OASIS. Với sự giúp đỡ của những người bạn trên thế giới ảo, Wade/Parzival tìm cách lần theo những gợi ý Halliday để lại để tìm Quả Trứng Phục Sinh, qua đó cứu OASIS khỏi dã tâm của gã Sorrento...

Ready Player One - Đấu trưởng ảo mãn nhãn đến từng khung hình ảnh 2Cảnh trong Ready Player One

Steven Spielberg cho biết "Ready Player One" là dự án phim khiến ông vất vả nhất kể từ "Saving Private Ryan" (1998). Nếu như trong "Giải cứu binh nhì Ryan," Spielberg phải kỳ công dàn xếp các trận chiến khốc liệt khiến khán giả cảm giác như đang trên chiến trường thực sự thì tới "Đấu trường ảo," ông lại khiến người xem phải há hốc mồm trước thế giới ảo.

Với kinh phí 170 triệu USD, "Ready Player One" có được khoản đầu tư xứng đáng để đem tới cho khán giả những trải nghiệm thị giác và thính giác tốt nhất. Khoảnh khắc khi nhân vật Wade lần đầu đeo kính VR vào để hóa thân thành Parzival và bước vào OASIS cũng chính là lúc khán giả "mắt chữ A, mồm chữ O."

Một thế giới khổng lồ được hiện ra, nơi mà con người có thể hóa thân thành bất cứ ai, làm bất cứ thứ gì. Khán giả như được bay dù lượn để "lượn" một vòng qua vũ trụ OASIS, từ Kim Tự Tháp, đỉnh Everest cho tới vũ trụ... được lướt qua chỉ trong nháy mắt. Càng xem phim, người xem càng cảm giác như mình được lạc vào một thế giới ảo vừa lạ vừa quen khi bắt gặp nhiều nhân vật quen thuộc từ các bộ phim hay trò chơi kinh điển.

Tác phẩm dành cho những người mê văn hóa đại chúng

Trang IGN thống kê sơ qua có tổng cộng ... 138 nhân vật hay chi tiết liên quan tới các biểu tượng văn hóa đại chúng được đề cập tới trong “Ready Player One.” Có những nhân vật quen thuộc ai cũng có thể nhận ra như khỉ King Kong, robot Gundam của Nhật, robot Iron Giant, nhân vật của Michael Jackson trong video “Thriller” hay búp bê sát thủ Chucky... cho tới hàng trăm “Quả trứng phục sinh” khác được lướt qua màn ảnh.

Nhà sáng chế James Halliday sinh ra ở nửa sau thế kỷ 20, nên nhiều chi tiết trong phim gợi nhớ tới thời kỳ này. Có thể kể ra âm nhạc Bee Gees, Van Halen hay Prince từng rất thịnh hành giai đoạn thập niên 1980s, hay sự xuất hiện của những trò chơi điện tử bấm nút.

So với cuốn tiểu thuyết gốc, ba thử thách để tìm chìa khóa trong phim đã được cải biên nhiều để khán giả đại chúng bên ngoài biên giới Mỹ vẫn có thể hiểu được. Những chi tiết bị thay đổi này có thể làm độc giả cuốn sách gốc thất vọng, nhưng với những ai chưa từng đọc qua “Ready Player One” thì xem phim là một hành trình kỳ thú. Nhiều trường đoạn thể hiện sự sáng tạo, tiêu biểu như cảnh Spielberg lồng ghép các phân cảnh bộ phim kinh dị “The Shining” vào trong phim.

Có thể nói, “Ready Player One” là một phim hấp dẫn với những khán giả thông thường, còn với những người mê tìm hiểu văn hóa đại chúng/phim ảnh/trò chơi điện tử thì chẳng khác gì một thiên đường. Người mê phim có thể gật gù thích thú với cách các câu thoại từ những phim kinh điển như “It’s a Wonderful Life,” “Citizen Kane” được lồng vào phim, trong khi những game thủ lại hào hứng khi bắt gặp những Kratos, Chun-li hay Master Chief... trên màn ảnh rộng.

Đạo diễn Steven Spielberg và nhà sản xuất phải mất vài năm đàm phán với nhiều hãng sở hữu bản quyền để có thể đem tới cho khán giả một sự kết hợp tầm cỡ như trường đoạn chiến đấu ở cuối phim, với hàng ngàn nhân vật tham gia. Tiết tấu nhanh và lôi cuốn từ đầu phim cộng thêm nhiều chi tiết phải để ý kỹ mới thấy giúp “Ready Player One” là phim mà những người yêu văn hóa đại chúng có thể tới rạp hơn một lần.

Nhưng nếu chỉ có kỹ xảo hay sự kết hợp hoành tráng từ những biểu tưởng văn hóa đại chúng thì “Ready Player One” mới chỉ dừng ở mức một bom tấn thông thường. Thứ khiến bộ phim có thể chinh phục khán giả là yếu tố nhân văn – thứ không thể thiếu trong những bộ phim của Steven Spielberg. Ông xây dựng một thế giới tương lai với công nghệ tối tân, nhưng tâm điểm vẫn là trái tim, lòng tốt của con người. Cách Parzival đương đầu với thử thách nhờ sự hỗ trợ của nhóm “Ngũ Đại” hay những manh mối Halliday để lại như minh chứng cho sức mạnh của tình bạn, đối lập với gã Sorrento chỉ biết dùng uy quyền để đạt được mục đích.

Ready Player One - Đấu trưởng ảo mãn nhãn đến từng khung hình ảnh 3

Tại sao Steven Spielberg lại là đạo diễn vĩ đại bậc nhất lịch sử điện ảnh? Bởi trong những bộ phim mang về tổng doanh thu tới hơn 9 tỷ USD (nhiều nhất trong lịch sử) luôn có những tình tiết rất con người chạm vào cảm xúc khán giả. Như tình bạn giữa cậu bé Elliot và E.T (phim E.T The Extra Terrestrial), tình đồng đội giữa những người lính (phim Saving Private Ryan) hay tấm lòng của một người Đức dành cho những người Do Thái trong Thế Chiến đệ nhị (phim Schindler’s List)...

“Ready Player One” chưa tới mức xuất sắc như những tác phẩm kể trên, song chắc chắn là một tác phẩm sẽ được đông đảo khán giả đón nhận. Bởi bên cạnh những yếu tố giải trí, kỹ xảo hay những manh mối thú vị về văn hóa đại chúng, bộ phim còn đề cao tình bạn và tình đoàn kết – thứ có thể đánh bại được lòng tham và sự đố kỵ.

Ready Player One (tựa Việt là Đấu Trường Ảo)

-Đạo diễn: Steven Spielberg
-Diễn viên: Tye Sheridan, Olivia Cooke, Mark Rylance
-Thể loại: Giả tưởng, Phiêu lưu
-Thời lượng: 140 phút
-Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 30/3.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục