Bảy năm đàm phán, 29 vòng thương lượng chính thức, 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 đối tác thương mại đã nhất trí với các điều khoản của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để hướng tới mục tiêu ký kết hiệp định vào năm 2020.
Việc 15 nước hoàn tất giai đoạn đàm phán dựa trên văn bản của 20 chương trong hiệp định và hầu như toàn bộ các vấn đề tiếp cận thị trường, được đánh giá là một “thắng lợi to lớn và mang ý nghĩa biểu tưởng cao.
Đây cũng được xem là một bước tăng tốc ngoạn mục, thể hiện quyết tâm chính trị của các nước ASEAN khi chỉ 3 tháng trước, các thành viên mới chỉ hoàn tất được 7 chương trong hiệp định.
Lần đầu tiên trong lịch sử RCEP, vạch đích đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Vốn được mô tả là hiệp định chú trọng vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu từ tháng 11/2012 với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN và 6 quốc gia mà hiệp hội đã ký hiệp định thương mại tự do là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán để đạt được RCEP gian nan hơn dự tính.
Ngoài trở ngại lớn nhất là vấn đề thuế quan, thì mục đích tham gia của các nước quá khác nhau, cách tiếp cận cũng khác nhau, chưa kể những rào cản xuất phát từ những “cuộc cạnh tranh ngầm” giữa các nước đối tác của ASEAN như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…
Hơn thế nữa, các nền kinh tế RCEP có những bước khởi điểm không đồng nhất. Nền kinh tế RCEP giàu có nhất có thu nhập quốc dân tính theo đầu người gấp tới 48 lần quốc gia nghèo nhất trong khu vực.
Dù hướng tới mục tiêu chung là đạt được một hiệp định thương mại tự do toàn diện và đem lại lợi ích cho tất cả các bên, song sự khác biệt trong các chính sách, lợi ích, chênh lệch trong năng lực cải cách và trình độ phát triển kinh tế của các nước thành viên, khiến quá trình đàm phán trở nên khó khăn và phức tạp.
Ban đầu, các nước kỳ vọng RCEP sẽ hoàn tất đàm phán và ký kết trước năm 2015, hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA).
Tuy nhiên, kế hoạch đã bị trì hoãn nhiều lần, chủ yếu do thiếu các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương giữa một số đối tác, chẳng hạn giữa như Ấn Độ với Trung Quốc, Nhật Bản với Hàn Quốc, dẫn đến những bất đồng nội bộ như việc Ấn Độ lo ngại hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập, gây tác động tiêu cực cho sản xuất nội địa. Sau thời điểm 2015, các nước đàm phán RCEP đã vài lần “lỡ hẹn,” cho tới khi 15/16 quốc gia đàm phán nhất trí về nội dung thỏa thuận tại cuộc họp hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok (Thái Lan).
[Thỏa thuận thương mại RCEP – Lùi một bước để tiến xa hơn]
Với ý nghĩa như vậy, thỏa thuận thúc đẩy RCEP, dù chưa trọn vẹn vì thiếu sự tham gia của Ấn Độ, cũng thể hiện nỗ lực của ASEAN hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, cho thấy ASEAN vẫn là khu vực “mở cửa” về thương mại, trong bối cảnh xu hướng phản đối toàn cầu hóa ở phương Tây đang lan rộng.
Việc các bên nhất trí về RCEP có thể coi như một thông điệp chống lại “con gió ngược” của chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng phản đối toàn cầu hóa, cũng là cam kết của ASEAN đối với thương mại tự do, vốn đem lại nhiều lợi ích cho khu vực.
Điều này cũng giúp thúc đẩy lòng tin vào toàn cầu hóa. Trong một môi trường toàn cầu khi mà nhiều nước đang thực hiện các chính sách theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa và đôi khi mang tính đơn phương, RCEP là động lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại dựa trên các nguyên tắc.
Thỏa thuận này cũng được coi là một minh chứng rõ nét cho vai trò trung tâm ASEAN và khả năng gắn kết của khối 10 thành viên này với các nền kinh tế khu vực.
Bắt nguồn từ ASEAN, RCEP hiện do ASEAN dẫn dắt, phản ánh một thực tế rằng ASEAN có khả năng chủ động kiểm soát các mối quan hệ giữa các thành viên và các cường quốc ngoài khu vực.
Nỗ lực của ASEAN trong việc cân bằng lợi ích của tất cả các đối tác thương mại để tìm tiếng nói chung cuối cùng đã đạt kết quả.
Thỏa thuận đạt được tại Bangkok cũng gửi đi thông điệp cho thấy ASEAN và các đối tác đang thúc đẩy thương mại tự do vì triển vọng tăng trưởng của khu vực và đóng góp tích cực cho nền kinh tế toàn cầu, thay vì chọn con đường dựng lên các rào cản thương mại.
Thỏa thuận này đang tạo nền tảng cơ bản cho hợp tác và hội nhập rộng lớn hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chiếm khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và một tỷ lệ tương đương về dân số, RCEP 15 vẫn là Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới và tác động của nó vượt ra khỏi tầm khu vực.
Khi được thực thi, RCEP sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho tất cả 15 nước thành viên. Theo ước tính, tăng trưởng GDP của 15 nước thành viên sẽ đạt 137 tỷ USD, khoảng 80% con số kỳ vọng khi khối có đủ 16 thành viên ban đầu là 171 tỷ USD.
Ngoài lợi ích kinh tế, RCEP còn góp phần đem lại sự thịnh vượng chung và an ninh chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương bằng cách xây dựng sự chắc chắn và tin cậy chính trị, khiến châu Á thành nền kinh tế năng động, cởi mở, thu hết thêm nhiều thành viên tham gia, cùng hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực.
Bên cạnh những cơ hội, RCEP cũng đối mặt với nhiều thách thức.
Dù đàm phán đã cơ bản hoàn tất, nhưng cũng không loại trừ những khó khăn, phát sinh bởi đây là quá trình phức tạp đòi hỏi các bên phải tìm ra giải pháp, điểm cân bằng về lợi ích của các thành viên, để xử lý các vấn đề còn tồn đọng và hướng đến sự thống nhất. Tuy nhiên, việc hoàn tất đàm phán RCEP đã là một dấu mốc đáng ghi nhận.
Trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang bị thoái trào tại nhiều khu vực, xung đột thương mại leo thang, việc thúc đẩy một hiệp định quy mô và tiêu chuẩn cao như RCEP, sẽ góp phần củng cố toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững.
Đây cũng là thông điệp quan trọng của các nước trong việc quyết tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương đồng hành với trật tự kinh tế quốc tế hợp tác, tự do và dựa trên nguyên tắc./.