Là thị trường lớn chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và chiếm 40% tổng kim ngạch nông, lâm thủy sản của cả nước, tham gia vào RCEP, các doanh nghiệp nông nghiệp được dự báo có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu đặc biệt là các mặt hàng có lợi thế như gạo, hạt tiêu, càphê, gỗ và sản phẩm từ gỗ…
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị: “Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực-RCEP” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 13/7, tại Hà Nội.
Cơ hội tăng xuất khẩu
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay những năm qua, ngành nông nghiệp đã vươn lên thành nền kinh tế năng động, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế quốc tế, đưa Việt Nam vào tốp 15 quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông sản thế giới.
Theo ông Tiến, trong vòng 6 năm vừa qua, tăng trưởng nông sản đạt con số ngoạn mục, từ 30 tỷ USD từ 2015 lên 48,6 tỷ USD vào năm 2021, tăng 62,3%.
Sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam đã có mặt tại 196 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều sản phẩm giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông sản đạt 27,88 tỷ USD, xuất siêu 5,75 tỷ USD.
“Để đạt được thành tích to lớn trên, không thể không nhắc đến vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia và ký kết, trong đó có hiệp định RCEP,” ông Phùng Đức Tiến nói.
Ông Tiến nhận định việc tham gia một loạt các FTA thế hệ mới đem lại nhiều cơ hội lớn cả về thương mại và đầu tư cho nông nghiệp.
Cụ thể hơn với hiệp định RCEP, dù không có đột phá về cắt giảm thuế nhập khẩu nhưng với quy định cởi mở về xuất xứ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các đối tác. Với người sản xuất, RCEP đem đến cơ hội nhập khẩu đầu vào nguyên liệu đa dạng về nguồn cung ứng và chất lượng với giá thành rẻ hơn.
Quan trọng hơn, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, với những cam kết mạnh mẽ hơn về đầu tư và dịch vụ. RCEP được nhận định góp phần tăng nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong đó có ngành nông nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), RCEP sẽ tạo các cơ hội chủ yếu về trung và dài hạn, trong đó sẽ tạo điều kiện phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực và thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định cho Việt Nam.
[Việt Nam dự hội thảo về vai trò của RCEP đối với nền kinh tế số châu Á]
Dẫn chứng thêm, theo bà Nga, tương tự các hiệp định thương mại tự do ASEAN+ hiện hành, Việt Nam sẽ xóa bỏ khoảng 90,3% số dòng thuế cho Australia và NewZeland, 86,7% cho Nhật Bản và Hàn Quốc, 85,6% cho Trung Quốc.
Trong khi đó, các nước ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 85,9%-100% số dòng thuế; các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 90,7%-98,3% số dòng thuế.
Cùng đó, một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu được các nước xóa bỏ thuế quan ngay sau khi RCEP có hiệu lực gồm, hàng thủy sản, thịt, rau quả, nông sản, một số loại máy móc, thiết bị và linh kiện điện tử…
Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong các thị trường khu vực RCEP.
“Một điểm khác biệt của Hiệp định này là thay vì 5 hiệp định FTA giữa ASEAN với các đối tác trước đây ta phải áp dụng, tuân thủ 5 bộ quy tắc xuất xứ để hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường đó được hưởng ưu đãi thuế thì RCEP tạo nên một bộ quy tắc xuất xứ hài hòa. Có nghĩa doanh nghiệp có thể sử dụng các nguyên liệu đầu vào từ tất cả các nước trong khu vừa RCEP bao gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác để sản xuất ra hàng hóa và xuất khẩu đi bất cứ nước nào trong số các thành viên RCEP này cũng đều được hưởng ưu đãi thuế quan nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ…,” bà Nga thông tin thêm.
Trong khi đó, bà Đỗ Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh việc hàng Việt Nam sẽ có lợi thế hơn về ưu đãi thuế quan.
Đơn cử, Nhật Bản xóa bỏ thuế qua cho ASEAN nhưng không cam kết cắt giảm thuế cho Hàn Quốc, Trung Quốc đối với mặt hàng thủy sản (cá hồi, cá ngừ, cá rô phi-HS0304), thủy sản chế biến, rau quả, càphê, chè xanh, chè đen…
Nâng sức cạnh tranh
RCEP dù mới có hiệu lực từ đầu năm (1/1/2022) song sức lan tỏa là rất lớn. Thống kê sơ bộ của Tổng cục hải quan trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước RCEP đạt 70,45 tỷ USD, tăng 15,03% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, 3 thị trường mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là: Trung Quốc đạt 26,1 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 12,1 tỷ USD và Nhật Bản đạt 11,3 tỷ USD.
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa có thể thể dễ dàng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan trong RCEP cao hơn bất kỳ FTA nào đã có, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực này, nhất là ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, NewZeland…
“RCEP được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho nhiều doanh nghiệp hơn, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Điều này có thể tạo ra khác biệt giữa RCEP với các FTA thế hệ mới nhiều tiềm năng nhưng không nhiều doanh nghiệp có đủ năng lực tận dụng như: CPTPP hay EVFTA,” bà Lan Anh nói.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cũng có thêm con đường thuận lợi để tiếp cận nguồn cung nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị từ các nước RCEP với giá tốt hơn, cạnh tranh hơn, từ đó có thể tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, trong RCEP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan ngay lập tức với 65,3% số dòng thuế nhập khẩu từ các nước RCEP và tới cuối lộ trình (15-20 năm với từng nước), Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan cho 85-90% dòng thuế (tùy đồi tác).
Tuy vậy, việc tham gia RCEP cũng đi liền với nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là việc cam kết mở cửa hàng hóa, đặc biệt là từ Trung Quốc và ASEAN sẽ có thêm một cơ hội ưu đãi thuế khi nhập vào thị trường Việt Nam, do vậy sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà với các doanh nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ gay gắt và khó khăn hơn.
- Xuất khẩu của Việt Nam vào 3 thị trường tham gia RCEP trong nửa đầu năm 2022:
Hơn nữa, các quy định về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc, hàng rào kỹ thuật ngày càng chặt chẽ hơn, nên thị trường vốn được coi là dễ tính trong RCEP đang ngày càng nhiều quy định khắt khe hơn mà doanh nghiệp, người sản xuất muốn cạnh tranh phải nhanh chóng hoàn thiện, không ngững nâng cao năng suất, chất lượng và vị thế của mình.
Để triển khai có hiệu quả hiệp định RCEP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn tất việc ban hành kế hoạch thực hiện hiệp định theo chức năng, nhiệm vụ được giao để bảo đảm công tác thực thi hiệp định được hiệu quả.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi và xây dựng các chương trình hỗ trợ, đào tạo kỹ năng chuyên sâu, giúp các ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan… tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp… cũng như đồng hành cùng địa phương, hiệp hội ngành hàng để có thể tận dụng tối đa các ưu đãi từ hiệp định, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước./.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (gọi tắt là Hiệp định RCEP) có hiệu lực từ 1/1/2022, đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới cho đến nay với sự tham gia của 10 nền kinh tế ASEAN và 5 nước đối tác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand (với khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng (chiếm khoảng 30% dân số thế giới) và GDP hơn 27.000 tỷ đô la Mỹ, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu. Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có các cam kết cắt bỏ thuế quan. Cụ thể, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình (sau 20 năm), Việt Nam sẽ xóa bỏ gần 90% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi đó, các nước đối tác sẽ xóa bỏ hơn 90% số dòng thuế cho Việt Nam, và các nước ASEAN sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ số dòng thuế cho Việt Nam. |