RCEP - 'Đá thử vàng' để cải thiện quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản

Chuyên gia nhận định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực hôm 1/1 là “đá thử vàng” để Bắc Kinh khôi phục chính sách “ngoại giao láng giềng hữu nghị” với Tokyo.
RCEP - 'Đá thử vàng' để cải thiện quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: China Daily)

Theo trang mạng Chinatimes, trong bối cảnh một làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Omicron gây ra đang lan rộng ở Nhật Bản, Thủ tướng nước này Fumio Kishida đã hủy kế hoạch thăm Australia.

Thay vào đó, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã chuyển sang tổ chức hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Australia Scott Morrison, đồng thời ký “Thỏa thuận tiếp cận đối ứng Nhật Bản-Australia” (RAA).

Thỏa thuận này cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Australia tiến hành thăm viếng lẫn nhau và tổ chức các cuộc huấn luyện, tập trận chung để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh, tiến tới thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương phát triển theo hình thức “gần như đồng minh."

Dư luận Nhật Bản khá dè dặt nếu xảy ra xung đột ở Eo biển Đài Loan

Nhật Bản và Australia ký RAA để cùng ứng phó với những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với an ninh khu vực, đồng thời duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ thông qua cơ chế “Đối thoại an ninh bốn bên” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia (nhóm Bộ tứ).

Ngoài “Thỏa thuận hành chính Nhật-Mỹ," đây là lần đầu tiên Nhật Bản ký một thỏa thuận tương tự với nước thứ ba. Việc ký RAA đồng nghĩa với việc lực lượng quân đội của Nhật Bản và Australia sẽ tự do tiến vào lãnh thổ của nhau để tiến hành huấn luyện và diễn tập mà không cần đàm phán từng điều khoản một, đồng thời thành lập “Ủy ban liên hợp” để đối thoại và phối hợp về việc vận dụng thỏa thuận.

Ngoài Australia, Nhật Bản cũng đang gấp rút tăng cường hợp tác quốc phòng với châu Âu và các nước Đông Nam Á. Nhật Bản tìm cách hợp tác với nhiều nước hơn để đối phó với sức ép quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tuy nhiên, do thể chế pháp luật khác nhau nên việc đàm phán các thỏa thuận cần thiết để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ của Nhật Bản với các nước khác rơi vào trạng thái kéo dài.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng mà Tokyo coi là một phần trong hợp tác an ninh cũng không diễn ra suôn sẻ. Quá trình triển khai thực hiện RAA có thể đem lại những bài học kinh nghiệm để Nhật Bản ký các thỏa thuận tương tự trong thời gian tới đồng thời giúp thúc đẩy quá trình mở rộng mạng lưới hợp tác an ninh của Nhật Bản.

Song song với việc Nhật Bản và Australia hoàn thành ký kết RAA, Mỹ và Nhật Bản cũng tổ chức những cuộc họp của “Ủy ban tham vấn an ninh” bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia của ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng của hai nước. Các cuộc họp này đều coi Trung Quốc là thách thức an ninh mà Mỹ và Nhật Bản phải đối mặt đồng thời coi đây là vấn đề cốt lõi của an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

[RCEP được kỳ vọng là 'luồng gió mới' thúc đẩy kinh tế toàn cầu]

Ngoài ra, quan chức hai bên cũng thảo luận về khả năng Nhật Bản có “năng lực tấn công các căn cứ của kẻ thù." Tuyên bố chung đưa ra sau các cuộc họp nói trên có đoạn nhấn mạnh: “Nhật Bản không loại trừ bất cứ lựa chọn nào để bảo vệ quốc gia."

Mỹ và Nhật Bản kỳ vọng về khả năng tiến tới ký kết một “thỏa thuận thực chất và đặc biệt” để nâng cao năng lực phòng thủ của liên minh. Quân đội Mỹ cần sự hỗ trợ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bảo vệ Đài Loan (Trung Quốc), bao gồm khả năng sử dụng toàn bộ các đảo của Nhật Bản gần Đài Loan. Đối với Nhật Bản, điều này đồng nghĩa với việc các đảo của Nhật Bản gần Đài Loan có thể bị Trung Quốc tấn công nếu xảy ra chiến tranh và dư luận Nhật Bản vẫn dè dặt về vấn đề này.

Tháng 9/2021, Mỹ, Anh và Australia đã ký thỏa thuận thành lập nhóm hợp tác ba bên viết tắt là AUKUS. Trong đó, Mỹ và Anh cam kết sẽ hỗ trợ Australia chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, đồng thời đánh giá cơ sở vật chất của các căn cứ tàu ngầm ở Australia để Mỹ và Anh trước tiên có thể triển khai trước lực lượng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của hai nước.

Ngoài Mỹ, Australia là quốc gia duy nhất vừa là thành viên của Bộ tứ, vừa là thành viên của AUKUS. Điều này giúp nâng cao đáng kể vị thế của Australia trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Mỹ đưa ra. Trong khi đó, Nhật Bản chịu hạn chế bởi “Hiến pháp hòa bình” và “Ba nguyên tắc phi hạt nhân” (không sản xuất, không sở hữu và không cho phép vũ khí hạt nhân tồn tại trên lãnh thổ Nhật Bản). Thế nên, Tokyo vừa kỳ vọng đối với vai trò mới của Canberra trong cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vừa lo sợ bị tổn.

Chính sách ngoại giao năm 2022 của ông Kishida Fumio gặp khó khăn

Nhật Bản thúc đẩy mối quan hệ “gần như đồng minh” với Ausatrlia, tập trung vào vấn đề sức mạnh của Mỹ dần suy yếu. Về mặt an ninh, Tokyo không thể dựa vào Mỹ để đối phó với những thách thức mà sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra đối với Nhật Bản.

Thay vào đó, Tokyo cần mở rộng mối quan hệ đồng minh với các quốc gia tầm trung khác để đảm bảo an ninh cho mình. Tuy nhiên, nhờ vị thế ngày càng gia tăng trong hệ thống đồng minh của Mỹ, nên Australia sẽ làm thay đổi cấu trúc trật tự an ninh Đông Á mà Mỹ đã xây dựng dựa trên nền tảng liên minh Mỹ-Nhật từ Chiến tranh Lạnh đến nay.

Khi đó, vai trò của Nhật Bản có thể sẽ suy yếu. Thủ tướng Kishida Fumio cần phải thuyết phục dư luận, đáp lại kỳ vọng của Mỹ đối với việc mở rộng vai trò an ninh của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tìm kiếm bộ giải pháp về “phòng thủ chuyên dụng” để tránh viễn cảnh Mỹ “từ bỏ Nhật Bản, xích lại Australia," làm tổn thương Nhật Bản về vị thế và vai trò của mình trên chính trường quốc tế.

Việc Mỹ, Nhật Bản và Australia tăng cường hợp tác chiến lược an ninh sẽ làm gia tăng tình thế “lưỡng nan về an ninh” với Trung Quốc, đồng thời kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Điều này không có lợi cho tình hình hòa bình và ổn định của khu vực đồng thời dẫn đến nguy cơ khó kiểm soát tình hình an ninh Đông Á. Điều này càng không thể hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế, sắp xếp lại chuỗi sản xuất khu vực, cũng như ứng phó với những thách thức mang tính toàn cầu. Bắc Kinh cho rằng việc Nhật Bản và Australia thắt chặt hợp tác an ninh là chĩa mũi nhọn về phía Trung Quốc, thể hiện rõ ý đồ “sử dụng Đài Loan đề kiềm chế Trung Quốc."

Trong mối quan hệ này, Bắc Kinh cho rằng Nhật Bản đóng vai trò tích cực, tìm cách tận dụng vấn đề Đài Loan và địa chính trị liên quan đến Đài Loan để tăng cường chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan cũng như mở rộng những lợi ích đối ngoại của Nhật Bản.

Thủ tướng Kishida Fumio muốn tìm kiếm mối quan hệ ổn định với Trung Quốc, dựa trên chủ nghĩa hiện thực để đánh giá cách quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nhật Bản lại dần từ bỏ giọng điệu mềm mỏng đối với Bắc Kinh về “vấn đề Đài Loan."

Cựu Giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan Stephen M. Young cho rằng dường như Nhật Bản quyết định ủng hộ địa vị độc lập của Đài Loan một cách thẳng thắn hơn, tiếp cận gần hơn với lập trường hiện nay của Washington, đặc biệt là về vấn đề bảo vệ hòn đảo tự trị này. Ngoài ra, có những dấu hiện cho thấy tầm nhìn chiến lược của Nhật Bản đối với Đài Loan đang có sự thay đổi.

Nhật Bản đang ở tuyến đầu trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung và mâu thuẫn với chiến lược an ninh của Trung Quốc ngày càng tăng. Năm 2022 sẽ là một năm “khó khăn” đối với “chính sách ngoại giao hiện thực trong kỷ nguyên mới” của ông Kishida Fumio.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không cần phải bi quan về quan hệ Trung-Nhật. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực hôm 1/1 là “đá thử vàng” để Bắc Kinh khôi phục chính sách “ngoại giao láng giềng hữu nghị” với Tokyo.

Sự kết hợp giữa thương mại tự do đa phương và ngoại giao có thể mang lại cơ hội để Trung Quốc xoa dịu tranh chấp trên biển, cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, thay đổi tình hình và để trở thành một cường quốc khu vực có trách nhiệm và ôn hòa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục