Từ khóa làm “chao đảo” cộng đồng làm đẹp, đặc biệt là những tín đồ dưỡng da theo kiểu Hàn Quốc gần đây không còn là hyaluronic acid hay vitamin C mà chính là rau má.
Tên khoa học của rau má là Centella asiatica, nó thường được viết tắt là “cica” trong tên của một số sản phẩm. Các món mỹ phẩm chứa thành phần này đều có chung một đặc điểm, đó là làm dịu, phục hồi da.
Bản thân rau má có công dụng chống viêm rất tốt, do đó thành phần này rất thích hợp với các làn da nhạy cảm, da đang bị kích ứng, giúp dưỡng ẩm nhẹ nhàng, giảm mẩn đỏ. Chiết xuất từ rau má giúp kích thích tuần hoàn máu và tái tạo tế bào, giúp da tiếp nhận oxy tốt hơn để trở nên hồng hào, có sức sống hơn.
Rau má không phải là phát kiến quá mới của nhân loại, vì hàng trăm năm qua, tại nhiều nước châu Á, người ta đã sử dụng rau má để chữa bệnh, từ giải nhiệt cho đến giảm đau bụng, an thần.
[6 xu hướng dẫn đầu năm 2018 mà các tín đồ làm đẹp không thể bỏ lỡ]
Năm 2012, chiết xuất rau má được phát hiện là có khả năng làm lành vết thương nhanh hơn. Kể từ năm 2016, khả năng cải thiện độ ẩm da của rau má được ghi nhận. Kể từ đó đến nay, các thương hiệu mỹ phẩm đã đua nhau đưa chiết xuất rau má vào bảng thành phần của mình.
Nhìn chung, các loại kem dưỡng hay serum chứa rau má đều có công thức dịu nhẹ, giống như một liều thuốc thảo mộc vỗ về cho làn da. Nhưng ngoài ra, rau má còn có thể kích thích quá trình sản sinh collagen, vì vậy mà thành phần này cũng có thể giúp tái tạo các vùng da bị sẹo lõm./.
Bài: EVE NGUYỄNẢnh: TỔNG HỢP