Trong số các sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam, rau tươi có tần suất tồn dư hóa chất cao nhất.
Để kiểm soát vấn đề này, phương pháp tiếp cận chính là xây dựng một chương trình tiêu chuẩn dựa trên quy phạm thực hành nông nghiệp tốt (GAP) kết hợp với chứng nhận của bên thứ ba.
[Thái Lan: 64% rau củ quả có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép]
Thông tin trên được phó giáo sư Trần Thị Định – Chủ tịch Mạng lưới Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt - Bỉ chỉ ra trong báo cáo “Hệ thống đảm bảo có sự tham gia để kiểm soát chất lượng rau an toàn ở Việt Nam” tại hội thảo khoa học: dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm với sức khỏe cộng đồng diễn ra sáng 5/12, tại Hà Nội.
Theo phó giáo sư Trần Thị Định, hiện nay chi phí để được cấp chứng nhận GAP rất cao, thủ tục hành chính phức tạp và chỉ phù hợp với sản xuất quy mô lớn, trong khi đó, 80% nông hộ ở Việt Nam có quy mô sản xuất nhỏ.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến thảo luận cho rằng, thực trạng thực phẩm chất lượng kém ngày càng nhiều do việc trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản chế biến nông sản thực phẩm không đúng quy cách, nhất là việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, các hóa chất độc hại không được phép sử dụng...
Sự mất dần một số cây trồng vật nuôi truyền thống do năng suất thấp nhưng sản phẩm của chúng lại có thành phần dinh dưỡng cân đối và hàm lượng cao các chất dinh dưỡng cùng với sự xuất hiện nhiều giống nhập nội có năng suất cao nhưng chất lượng kém. Điều này cũng góp phần làm giảm chất lượng thực phẩm.
Do đó, để khắc phục những hạn chế trên, phó giáo sư Định cho rằng, việc ứng dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) khởi nguồn từ Liên đoàn phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế áp dụng cho nông nghiệp hữu cơ là sự lựa chọn thay thế cho chứng nhận của bên thứ ba.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam và tổ chức Phi chính phủ VECO đang phối hợp khảo sát, đánh giá nhằm cải tiến mô hình để tạo ra một bộ công cụ chung về PGS cho người sản xuất.
Về tình trạng dinh dưỡng của người Việt, giáo sư Lê Thị Hợp – Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam hiện nay vẫn đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng trong những năm 1980, 1990 của thế kỷ trước, vấn đề thiếu dinh dưỡng, suy dinh dưỡng là vấn đề nổi cộm của Việt Nam. Khi đó, có khoảng 50% trẻ em bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân và thấp còi. Đến nay, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em đã giảm đáng kể, chỉ còn 25%. Giảm suy dinh dưỡng ở Việt Nam được quốc tế đánh giá cao, giảm thường xuyên và bền vững, từ 1,5-2%/năm.
Giáo sư Hợp cũng lưu ý, trong cuộc sống hiện đại, không thể có tình trạng dinh dưỡng tốt nếu như thực phẩm không đảm bảo chất lượng và không đảm bảo an toàn.
Nhằm góp phần giải quyết các vấn đề nêu trên, hội thảo đã tập hợp các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau như dinh dưỡng, nông nghiệp, công nghệ thực phẩm, y học, sinh học... bàn các giải pháp mang tính khoa học nhằm từng bước giảm bớt và đẩy lùi các nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng.
Có 11 báo cáo được trình bày tại hội thảo và 14 công trình nghiên cứu được trình bày tóm tắt thuộc 2 chủ đề chính: dinh dưỡng và chất lượng thực phẩm./.