Sự ra đời của gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch được cho là một cú hích lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất.
Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai nguồn tín dụng này vẫn đang còn nhiều rào cản khiến các ngân hàng chưa triển khai được nhiều.
Lúng túng khi triển khai
Ông Lê Hữu Trình, Phó giám đốc Doanh nghiệp Thủy sản Đắc Lộc cho hay: "Đa số đầu vào của ngành thủy sản và chăn nuôi thủy sản chịu áp lực của doanh nghiệp FDI do họ có nguồn vốn tốt hơn doanh nghiệp Việt Nam nên sự cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam rất lớn. Do đó, tín dụng nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tốt nhất giúp cho ngành thủy sản phát triển bền vững hơn."
Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đánh giá: "Qua hơn nửa năm thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, tiếp cận nguồn vốn cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao còn rất thấp."
Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch đến nay mới đạt gần 32.339 tỷ đồng; trong đó cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 27.737 tỷ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ.
Câu hỏi đặt ra là rào cản nào khiến các doanh nghiệp và hộ nông dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi mặc dù đã có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ tín dụng nông nghiệp công nghệ cao?
Theo ông Nguyễn Cảnh Hậu, Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Hòa Bình, khi triển khai gói tín dụng nông nghiệp sạch, ngân hàng còn vướng ở chỗ chưa có tiêu chí cụ thể xác nhận đâu là nông nghiệp sạch để cho vay gói tín dụng ưu đãi.
Đồng quan điểm này, đại diện của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng cho hay, hiện có nhiều ý kiến xung quanh tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác nhau; trong đó còn nhiều điểm trùng giữa nông nghiệp công nghệ cao với nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Với cách hiểu này, tùy vào sự phát triển của lực lượng lao động mỗi vùng miền mà công nghệ áp dụng tại cùng thời điểm sẽ được đánh giá khác nhau. Điều này khiến ngân hàng khó áp dụng cũng như khi xem xét đối tượng được xếp vào hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Cơ chế, tiêu chí còn chưa rõ ràng, minh bạch, lại có nhu cầu vốn lớn, thời gian dài và nhiều rủi ro khiến cho các ngân hàng còn thận trọng trong cấp vốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, ông Lại Xuân Môn nhận định.
Việc xác định tiêu chí nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao hiện đang khiến các ngân hàng còn lúng túng khi triển khai cho vay nguồn vốn này. Trong khi đó, phía doanh nghiệp vẫn còn những rào cản để tiếp cận nguồn tín dụng này.
Bà Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội xanh, Vĩnh Phúc chia sẻ: "Để vay được vốn các ngân hàng, yêu cầu tài sản thế chấp, nhưng Hợp tác xã thì chưa có gì để thế chấp cả. Hợp tác xã khó vay vốn vì trụ sở đi thuê, đất sản xuất là của người dân và của các thành viên. Chính vì vậy, chúng tôi hiện chủ yếu phải vay tín chấp."
Trên thực tế tài sản bảo đảm cũng là một trong những thách thức đối với doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn này. Quá trình triển khai tại VietinBank cho thấy nhận tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay hiện nay cũng còn bất cập.
Cụ thể như đối với cây lâu năm, một số sở tài nguyên cho phép đăng ký giao dịch đảm bảo đối với cây lâu năm theo hình thức tài sản hình thành trong tương lai nhưng một số sở tài nguyên từ chối hoặc yêu cầu bổ sung đầy đủ chứng từ chứng minh quyền sở hữu.
Còn đối với nhà kính, nhà lưới... lại chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.
Trong khi đó, vấn đề cho vay tín chấp cũng cần phải tính toán từ nhiều phía, nếu thông tin minh bạch, chính xác đáng tin cậy thì các ngân hàng cho vay tín chấp nhưng thông tin thiếu tin cậy không chính xác thì cho vay tín chấp cực kỳ rủi ro, đại diện VietinBank cho biết.
[Ngân hàng thương mại cần quan tâm tới gói tín dụng 100.000 tỷ đồng]
Mặt khác, ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) nhận định, bài toán đầu ra được cho là vấn đề cốt lõi trong sự thành công của nông nghiệp công nghệ cao.
Vòng luẩn quẩn "được mùa, mất giá, bí đầu ra” đến nay vẫn là bài học nhãn tiền chưa có đáp án giải quyết triệt để. Và chuyện đầu ra cũng có thể là bài toán "tâm lý thấp thỏm” cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng cũng không mấy mặn mà khi cho vay ứng dụng nông nghiệp cao.
Cần linh hoạt trong chính sách tín dụng ưu đãi
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, đồng thời khơi thông nguồn vốn tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa) mong muốn các tiêu chí cho vay nông nghiệp công nghệ cao cần được chia theo các cấp độ ưu tiên, ưu đãi khác nhau phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp và hộ nông dân.
Theo ông, bên cạnh các doanh nghiệp lớn có lợi thế tiếp cận nguồn vốn thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là các hộ nông dân rất khó để đáp ứng được hết các tiêu chí cho vay.
Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa là bộ phận đông đảo quan tâm đầu tư tới lĩnh vực này, góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Cảnh Hậu kiến nghị cần đưa ra tiêu chí cụ thể, xác định đâu là đối tượng nông nghiệp sạch để các ngân hàng làm cẩm nang cho vay. Hiện, nhu cầu vay vốn nông nghiệp đang rất lớn nên những ưu đãi là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, nhận định được khó khăn của ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng so với các ngành khác là luôn chịu những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh…, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần có sự chủ động và linh hoạt trong việc áp dụng các chính sách tín dụng ưu đãi.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành, Ngân hàng Nhà nước cần có các chính sách và hướng dẫn cụ thể để các ngân hàng thương mại thực hiện việc cơ cấu nợ hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn tạm thời.
Còn về vấn đề đầu ra, ông Nguyễn Đức Hưởng kiến nghị Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của nông dân...
Các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân, đặc biệt giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, gắn với chế biến tiêu thụ, tạo sản xuất ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, làm cơ sở để xây dựng thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường cần được khuyến khích.
Mặt khác, theo ông Hưởng, các doanh nghiệp cần phát triển theo hướng gắn với hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng "cánh đồng mẫu lớn” nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường./.