Tại bang Arunachal Pradesh ở Đông Bắc Ấn Độ, các loài động vật như hổ, báo gấm, đại bàng, chim mỏ sừng thường sống rải rác trong nhiều cánh rừng nhiệt đới. Nhưng đó cũng là nơi cư trú của cộng đồng người Nyishi – bộ lạc bản địa lớn nhất sinh sống tại bang Arunachal Pradesh.
Theo truyền thống, đàn ông nơi đây thường đội lên đầu một chiếc byopa – tên gọi của một loại mũ làm từ sợi mây được đan thủ công. Đặc điểm nổi bật của byopa nằm ở chỗ phía trước nó được gắn phần mỏ và sừng trên của loài chim mỏ sừng, phía sau có một chiếc móng đại bàng. Bên cạnh đó, nam giới trong bộ lạc thường mang theo bên mình một chiếc dao rựa được đính kèm xương hàm của các loài hổ, báo gấm.
Nabam Bapu, một doanh nhân người Nyishi hiện sinh sống tại quận Papum Pare của bang Arunachal Pradesh cho biết: “Người dân nơi đây quan niệm loài hổ thống trị khu rừng, đại bàng thống trị bầu trời. Vì thế, mang trên mình bộ phận của các loài động vật này sẽ nâng cao tinh thần và cho họ cảm giác an toàn”.
Tuy nhiên, đối với Bapu, săn bắn động vật quý hiếm để khai thác các bộ phận trên cơ thể chúng là một mối lo ngại lớn, trong bối cảnh số lượng động vật hoang dã ở Arunachal Pradesh đang suy giảm. Vì vậy, vào tháng 1/2020, Bapu cùng một người bạn – anh Anang Tadar - một người thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực công nghệ, đã đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ in 3 chiều (3D) để sản xuất mô hình những bộ phận cơ thể của các loài động vật hoang dã quý hiếm.
Tadar chia sẻ: “Chúng tôi mất 2 năm để tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô cho sản phẩm, từ nhựa tổng hợp cho đến gỗ và thủy tinh cách nhiệt chống cháy. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tìm hiểu thêm về công dụng của các loại nhựa có nguồn gốc thực vật, thân thiện với môi trường”.
Đây là một trong số ít các dự án trên thế giới hoạt động với mục đích góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa của các cộng đồng dân cư bản địa, đồng thời cải thiện tình trạng khai thác động vật hoang dã đáng báo động hiện nay.
Tại Nam Phi, vào năm 2013, Panthera - một tổ chức từ thiện hoạt động nhằm bảo tồn các động vật hoang dã họ mèo - đã khởi động chiến dịch “Furs for Life”. Chiến dịch xoay quanh việc sử dụng lông nhân tạo tổng hợp thay thế cho da báo thật, để sản xuất ra áo lông amambatha – một nét văn hóa tiêu biểu của các cộng đồng dân cư bản địa ở Nam Phi. Theo ước tính của Panthea, dự án này đã góp phần làm giảm 50% lượng tiêu thụ da báo thật để sản xuất ra loại áo choàng amambatha.
Hiện mỗi tháng một lần, Bapu và Tadar sẽ đi bộ dọc theo một cung đường dài nhiều cây số, mang những mẫu vật mới nhất mà họ sản xuất được đến và tham khao ý kiến của các già làng Nyishi. “Việc lấy ý kiến của các già làng là một khâu quan trọng thiết yếu. Chỉ họ mới có thể đưa ra đánh giá chính xác về độ chân thực của sản phẩm mẫu mà chúng tôi tạo ra, do họ đã có nhiều năm kinh nghiệm săn bắn”, Tadar nói.
Tính đến nay, Arunachal Ivory and Ornaments - công ty khởi nghiệp do Bapu thành lập cùng với Likha Nana, một nhà nghiên cứu lịch sử và đồng thời cũng là vợ của anh, đã sản xuất hơn 100 mô hình răng nanh của các loài báo gấm, hổ, răng lợn rừng và móng vuốt đại bàng. Hiện tại, công ty vẫn đang phát triển thêm các bản in 3D với thành phẩm cuối giống mỏ của loài chim mỏ sừng ở Ấn Độ.
Bang Arunachal Pradesh là nơi sinh sống của 26 bộ lạc lớn, bao gồm Nyishi, Adi, Galo, Apatani và Tagin. Trong bối cảnh văn hóa và phong tục tập quán truyền thống của các tộc người nơi đây đang có dấu hiệu mai một dần, chính quyền bang Arunachal Pradesh khuyến khích người dân thường xuyên mặc trang phục truyền thống. Chính vì lý do này, nhu cầu tiêu thụ các bộ phận của động vật hoang dã ngày càng tăng cao.
“Không phải ai cũng có đủ khả năng mua các bộ phận cơ thể của động vật hoang dã. Bạn sẽ không tưởng tượng nổi mức giá bán răng hổ trên thị trường chợ đen có thể lên đến bao nhiêu đâu. Nó nằm trong khoảng từ 400.000 – 500.000 rupee (tương đương 4.800 – 6.000 USD)”, Bapu nói.
Trong bối cảnh hiện tại, các nhà chức trách toàn cầu vẫn đang nỗ lực chống nạn săn bắn và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Ông Tana Tapi, Phó Giám đốc Cơ quan Giám sát và Bảo tồn động vật hoang dã bang Arunachal Pradesh, nhận định: “Công tác giám sát các hoạt động săn bắn bất hợp pháp sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, nhất là khi bang Arunachal Pradesh có chung đường biên giới phía Đông với Myanmar và phía bắc giáp với Trung Quốc.
Trước tình hình trên, Arunachal Ivory and Ornaments hi vọng có thể góp phần tham gia cuộc chiến chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã. Rajkamal Goswami, một nhà nghiên cứu với kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực bảo tồn ở Đông Bắc Ấn Độ, cho biết: “Sản phẩm mới có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào mức độ đón nhận của công chúng. Mỗi doanh nghiệp nên cố gắng thuyết phục các cơ quan, tổ chức có tầm ảnh hưởng ở địa phương hưởng ứng những sản phẩm như vậy, để có thể giảm thiểu mức độ và cường độ săn bắn động vật hoang dã”.
Bapu tin rằng những gì mà công ty anh đang làm hoàn toàn có thể góp phần cải thiện tình trạng hiện tại: “Thay vì dùng súng trang bị công nghệ cao để giết hại các loài động vật hoang dã một cách tàn nhẫn, tại sao chúng ta không sử dụng công nghệ hiện đại vào mục đích thiết thực hơn và nhân đạo hơn như bảo tồn động vật hoang dã và khôi phục những giá trị văn hóa đang dần biến mất?”./.