Rắc rối tài chính của BES tác động toàn bộ kinh tế Bồ Đào Nha

Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva cảnh báo những rắc rối về tài chính của ngân hàng Banco Espirito Santo có thể tác động đến toàn bộ nền kinh tế quốc gia.
Rắc rối tài chính của BES tác động toàn bộ kinh tế Bồ Đào Nha ảnh 1Rắc rối tài chính của ngân hàng Banco Espirito Santo có thể tác động đến toàn bộ nền kinh tế Bồ Đào Nha. (Nguồn: portuguese-american-journal.com)

Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva ngày 21/7 cảnh báo những rắc rối về tài chính của gia đình Espirito Santo sáng lập ngân hàng Banco Espirito Santo (BES), nhà cho vay được niêm yết lớn nhất nước này, có thể tác động đến toàn bộ nền kinh tế quốc gia.

Trong bài phát biểu khi đến thăm Hàn Quốc, được phát sóng trên đài truyền hình địa phương, ông Silva nói rõ "nếu một số công dân, một số nhà đầu tư chịu thiệt hại lớn từ BES thì họ có thể trì hoãn các quyết định đầu tư, hoặc một số có thể nhận thấy mình rơi vào tình thế rất khó khăn."

Ông Silva nhấn mạnh Bồ Đào Nha không thể phớt lờ nguy cơ nền kinh tế nước này sẽ bị tác động nghiêm trọng.

Ông Silva là quan chức cấp cao đầu tiên của Bồ Đào Nha lên tiếng về tình trạng hỗn loạn tài chính trong gia đình Espirito Santo sau khi gia đình này ngày 18/7 vừa qua xin bảo hộ chủ nợ đối với một trong những công ty cổ phần chủ chốt của mình.

Tuần trước, một công ty cổ phần khác của gia đình là Rioforte cũng không thể thanh toán đúng hạn khoản nợ 1 tỷ USD cho Portugal Telecom, tập đoàn viễn thông lớn của Bồ Đào Nha có tiếng nói quyết định đối với công ty này, vốn đã sáp nhập với tập đoàn Grupo Oi của Brazil khiến Grupo Oil giảm cổ phần trong công ty mới.

BES còn đang bị điều tra sau khi có phát giác về những bất thường tài chính tại Espirito Santo International (ESI), định chế gián tiếp sở hữu cổ phần 49% của công ty nắm giữ cổ phần của gia đình Espirito Santos trong BES nhưng đã xin bảo hộ chủ nợ ở Luxembourg ngày 18/7 vừa qua.

Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Bồ Đào Nha Antonio Pires cũng xác nhận với báo giới rằng khủng hoảng có nguy cơ nhấn chìm BES có thể tác động đến đà phục hồi kinh tế của nước này, song khẳng định chiều hướng phục hồi đang mạnh hơn.

Sự hỗn loạn về tài chính ở BES, xảy ra đúng thời điểm Bồ Đào Nha vừa thoát khỏi chương trình cứu trợ phối hợp giữa Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khiến nhiều nhà phân tích lo ngại cuộc khủng hoảng này có thế khiến nền kinh tế mong manh của Bồ Đào Nha càng điêu đứng hơn. Tăng trưởng kinh tế của nước này giảm mạnh 0,6% trong quý đầu năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục