Ngày 9/8, tại thành phố Nha Trang, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non, với sự tham dự của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo của 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Số liệu báo cáo tại hội nghị cho biết cả nước hiện có 15.501 trường mầm non; hơn 36.950 điểm trường mầm non. Tổng số trẻ mầm non được đến trường là trên 5,473 triệu, trong đó có gần 898.000 trẻ nhà trẻ; hơn 4,575 triệu trẻ mẫu giáo; 713/713 đơn vị cấp huyện duy trì phổ cập giáo dục mầm non.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, trong năm học vừa qua việc Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua với nhiều nội dung quan trọng đối với cấp học mầm non, như nâng chuẩn giáo viên mầm non, là bước đột phá không những nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo điều kiện tốt hơn cho thầy cô về chế độ đãi ngộ và chất lượng giáo dục mầm non cũng được nâng lên, trong đó nhiều trường, nhiều địa phương đã thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.”
Ngoài ra còn nhiều chính sách, quy định khác được ban hành tạo điều kiện cho giáo dục mầm non phát triển, trong đó có chính sách phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; chế độ đối với giáo viên, học sinh vùng khó khăn.
[Ngành giáo dục vẫn loay hoay tìm lời giải cho những bài toán cũ]
Tuy nhiên, giáo dục mầm non còn rất nhiều khó khăn, hạn chế, như chưa có sự đồng bộ về chính sách, nhất là chính sách liên quan đến chế độ giáo viên vẫn còn bất cập, cần tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung; số lượng các nhóm lớp tư thục độc lập còn rất nhiều, trong đó hơn 10% chưa cấp phép, đây là "vùng trũng" của giáo dục mầm non, tình trạng bạo hành trẻ, chất lượng thấp xuất phát từ đây.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương không tuyển đủ chỉ tiêu giáo viên theo quy định, dù có chỉ tiêu biên chế nhưng vẫn để hợp đồng, định biên đứng lớp thấp; việc dồn dịch dẫn tới số trẻ trên lớp tăng... trong khi đó thu nhập giáo viên mầm non thấp, thời gian làm việc dài, thậm chí 10 tiếng/ngày.
Tại Hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề liên quan công tác rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp. Trong đó, tập trung về các vấn đề xóa hoặc dồn ghép các điểm trường; sáp nhập trường mầm non với trường phổ thông; sáp nhập phòng giáo dục mầm non với các đơn vị khác; giải quyết phòng học tạm, phòng học hai buổi trên ngày; công trình vệ sinh, nguồn nước vệ sinh ở các điểm trường vùng núi, khó khăn...
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến xoay quanh về tình trạng thiếu giáo viên, hợp đồng tuyển dụng giáo viên; các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên theo định mức; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên nấu ăn, nhân viên y tế...; việc tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em mầm non vùng dân tộc thiểu số; đảm bảo an toàn và giảm bạo hành trong cơ sở giáo dục mầm non.
Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề nghị Vụ Giáo dục Mầm non cần rà soát các cơ chế chính sách hiện có để thay thế, chỉnh sửa, bổ sung kịp thời. Ví như, trong số các quy định về hướng dẫn an toàn cho trẻ, cần chú ý tới quy định cụ thể về dịch vụ đưa đón học sinh đến trường.
Nhiều trường đã làm việc này nhưng chưa thực sự chặt chẽ, tới đây phải rà soát, hướng dẫn cụ thể, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cháu.
Nhà trường phải có quy trình đưa đón, tham quan dã ngoại, trong đó đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, người đưa đón, kết nối gia đình, nhà trường để có đầy đủ thông tin, không có lỗ hổng trong quá trình đưa đón.
Sắp tới, Bộ cũng phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an để nghiên cứu hướng dẫn khuyến khích sử dụng áp dụng một số quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến đảm bảo an toàn, dấu hiệu nhận biết, các vị trí biển báo bến đón trả học sinh đối với dịch vụ hoạt động đưa đón học sinh, đáp ứng yêu cầu an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị, các địa phương cũng cần tập trung khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, tuyển dụng hết chỗ biên chế được giao, đồng thời có lộ trình đào tạo nâng chuẩn; thực hiện lộ trình đổi mới tiền lương của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng các bộ, ngành xây dựng thang bảng lương mới cho giáo viên theo hướng nâng mức lương khởi điểm và các chế độ phụ cấp theo quy định.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh tới đạo đức nhà giáo, nguy cơ tiềm ẩn bạo hành trẻ vẫn còn rơi vào nhóm trẻ, tư thục độc lập. Bộ trưởng yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo chú ý công tác thanh kiểm tra, hạn chế các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập không đủ điều kiện, kiên quyết cho dừng các nhóm không có giấy phép.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Nha Trang./.