Ngày 11/2, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, lĩnh vực giảm nghèo luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo đầu tư nguồn lực để thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo; được cả hệ thống chính trị quan tâm, vào cuộc, được nhân dân đồng tình hưởng ứng; được các tổ chức quốc tế hợp tác, hỗ trợ có hiệu quả.
Theo kết quả rà soát hàng năm, giai đoạn 2005-2012, tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh trên cả nước và ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, do hậu quả của thiên tai, bão lũ, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo chiếm khoảng 25-30% so với hộ thoát nghèo (trung bình cứ ba hộ thoát nghèo có một hộ tái nghèo, phát sinh nghèo). Tỷ lệ hộ thoát nghèo chuyển sang cận nghèo còn cao do mức chuẩn nghèo còn thấp, không được cập nhật theo hàng năm, không phản ánh hết bản chất của người nghèo.
Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhưng ở nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn trên 50%, cá biệt có nơi còn 60-70%; hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị Quốc hội sớm thảo luận, thông qua Luật Đầu tư công để làm căn cứ pháp lý trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của nhà nước nhằm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.
Bộ cũng đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện cơ chế và điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia. Các bộ ngành địa phương khi thiết kế xây dựng, ban hành chính sách mới cần phải có sự phân loại ưu tiên thực hiện theo nhóm đối tượng, có lộ trình cụ thể, giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không;” tổ chức rà soát, sắp xếp lại chính sách giảm nghèo mang tính hệ thống, giảm bớt số lượng văn bản chính sách...
Đoàn giám sát đánh giá trong thời gian qua các chính sách về giảm nghèo được ban hành đã phát huy tác dụng, đi vào cuộc sống, đạt được những kết quả nhất định; tư duy xây dựng các chính sách đã được đổi mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm còn có những hạn chế cần phải tiếp tục khắc phục.
Đoàn giám sát đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các bộ ngành, thống nhất xây dựng, tổ chức lại các văn bản chính sách tránh sự chồng chéo, manh mún, trùng lắp. Bước đầu cần khoanh vùng được những chính sách còn chồng chéo, điển hình như trong công tác dạy nghề, việc bố trí ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng; xác định nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, phân bổ nguồn lực... để tìm ra hướng khắc phục.vBộ cũng cần phân cấp cho các địa phương trong việc thẩm định hộ nghèo; thiết kế chính sách, phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đói từ đơn chiều dựa vào thu nhập chuyển sang đa chiều để đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của người dân; củng cố năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng chính sách.
Đoàn giám sát cũng cho rằng bên cạnh việc "lồng ghép" các chính sách, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu "kết nối" các chính sách phù hợp để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, thoát nghèo nhanh, bền vững.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các bộ, ngành sớm hoàn thành báo cáo gửi tới đoàn giám sát trước ngày 28/2 tới, chuẩn bị cho buổi làm việc của Đoàn giám sát với Chính phủ vào ngày 7/3 tới.
Trung tuần tháng Tư, Đoàn giám sát sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội khóa XIII xem xét báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2014)./.