Rà soát biệt thự, công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội có công văn 88/HĐND-VP đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát, báo cáo thực trạng quỹ nhà biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954.
Một ngôi biệt thự trên phố Nguyễn Gia Thiều, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)

Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có công văn 88/HĐND-VP đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát, báo cáo thực trạng quỹ nhà biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn.

Theo công văn, cần nêu rõ số lượng, địa chỉ cụ thể, hiện trạng, phân loại và xếp theo từng nhóm, hình thức sở hữu, đề xuất giải pháp quản lý trong thời gian tới...; đề xuất danh mục biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 cần bảo trì, cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn giai đoạn 2021-2025.

Theo ghi nhận, cuối năm 2013, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành danh mục 1.253 nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo "Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội."

[Biệt thự biển thương hiệu quốc tế: BĐS hạng sang sinh lời bền vững]

Trong danh sách này có 352 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, 100 biệt thự thuộc sở hữu của các tổ chức, 301 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân và 500 biệt thự đan xen sở hữu.

Các biệt thự cũ này tập trung chủ yếu tại 5 quận gồm: Ba Đình (428 biệt thự), Hoàn Kiếm (527 biệt thự), Hai Bà Trưng (270 biệt thự), Tây Hồ (14 biệt thự), Đống Đa (14 biệt thự). Tuy nhiên, để quản lý hiệu quả và đáp ứng thực hiện, Hà Nội cần ban hành lại danh mục nhà biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954.

Công văn số 88/HĐND-VP cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát, báo cáo về thực trạng quản lý, duy tu, duy trì công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố; các giải pháp về đầu tư, quản lý sau đầu tư trong thời gian tới.

Kế hoạch, danh mục công viên, vườn hoa cụ thể đề xuất đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp trong giai đoạn 2021-2025 cần nêu rõ số lượng đầu tư xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang, nguồn vốn đầu tư theo từng năm với địa điểm cần xác định cụ thể theo từng địa bàn quận, huyện, thị xã.

Thực hiện Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025" và căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Chương trình công tác năm 2021, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo ra soát, báo cáo về thực trạng trồng, chăm sóc, duy tu duy trì cây xanh trên địa bàn thành phố; kế hoạch, đề xuất trồng mới, thay thế trên tuyến phố cũ và trồng mới trên các tuyến đường, phố mới mở giai đoạn 2021-2025; kết quả cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường, phố trong thời gian qua; kế hoạch, danh mục đề xuất các tuyến đường, phố để cải tạo, chỉnh trang trong giai đoạn 2021-2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục