​Ra nhà giàn mùa biển động: Người anh cả trên tàu Trường Sa 19

Tết Nguyên đán thường trùng với thời điểm biển động, tuy nhiên, những chuyến tàu chở tình cảm thân thương của đất liền ra với những người "gác biển" vẫn không quản hiểm nguy, đè sóng mà lướt tới.
Các chiến sỹ chuyển những món quà cuối cùng trước khi tàu xuất cảng. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Các chiến sỹ chuyển những món quà cuối cùng trước khi tàu xuất cảng. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Tết Nguyên đán trùng với thời điểm thường xuyên có sóng to, gió lớn ở vùng biển do Vùng 2 Hải quân quản lý, bảo vệ - từ huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) đến cửa sông Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) với trọng tâm là Cụm Kinh tế-khoa học kỹ thuật-dịch vụ thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, gọi tắt là DK1.

Nếu như việc thay quân hay tiếp nhu yếu phẩm, nhiên liệu đến các nhà giàn có thể dời sang mùa sóng lặng thì các con tàu chở quà Tết cho các cán bộ, chiến sỹ đang cắm chốt ngoài biển không thể lùi hải trình của mình.

Nghĩa là chừng nào còn Tết cổ truyền của dân tộc, còn các nhà giàn bảo vệ hải phận và thềm lục địa phía Đông Nam của Tổ quốc thì sẽ còn những chuyến tàu đè sóng cấp 7 giật cấp 8, mang theo tình cảm thân thương của đất liền ra với những người “gác biển.”

Có mặt trong hành trình này vào những ngày giáp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết: "Ra nhà giàn mùa biển động.”

15 đài gác biển

Cụm Kinh tế-khoa học kỹ thuật-dịch vụ DK1 là vùng biển rộng lớn với diện tích hơn 200.000 km2 nằm trên thềm lục địa Đông Nam của Tổ quốc, trong giới hạn vĩ độ từ 07’’10 N đến 08’’30N và kinh độ từ 09’’00’1 đến 112’’30’1, cách Bà Rịa-Vũng Tàu 254 hải lý về phía Đông Nam, phía Đông và Đông Bắc của DK1 là quần đảo Trường Sa; phía Nam là vùng biển của Việt Nam tiếp giáp với vùng biển của Malaysia và Indonessia; phía Tây là khu vực biển Côn Đảo.

Điều kiện khí tượng-thủy văn ở khu vực DK1 rất phức tạp, thường xuyên có sóng to, gió lớn, đặc biệt là vào mùa biển động từ tháng 10 năm nay đến hết tháng 1 năm sau, có thể lân sang cả tháng Hai.

Vào bất cứ lúc nào, những cơn bão bất chợ ập đến, gây nguy hại với mọi phương tiện hoạt động trên biển, kể cả các con tàu vận tải quân sự đồ sộ, hiện đại.

Độ sâu chủ yếu tại vùng biển DK1 khoảng từ 700-1.000m. Tại đây có 9 bãi đá ngầm có tên gọi là Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Vũng Mây, Ba Kè, Bãi Đất và Bãi Đinh.

Các bãi này hình thành và phát triển theo hướng Đông Bắc-Tây Nam trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ xây dựng Cụm Kinh tế-khoa học kỹ thuật-dịch vụ DK1, từ ngày 22 đến 27/6/1989 Tổng cục Dầu khí phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh và Quân chủng Hải quân lắp dựng nhà giàn đầu tiên tại bãi ngầm Tư Chính.

Nhà giàn Tư Chính A (DK1/1) được thiết kế theo kiểu chôn cột giàn khoan đặt ở vùng nước sâu 23 m, chiều cao công trình là 39,5m, cách mặt nước biển lúc triều cường 11m.

Tháng 11/1990, Chính phủ tiếp tục cho xây dựng tại đây Nhà giàn Tư Chính B (Nhà giàn DK1/15)…

​Ra nhà giàn mùa biển động: Người anh cả trên tàu Trường Sa 19 ảnh 1Sắc xuân từ đất liền ra nhà giàn với những loài hoa đặc trưng khi Tết đến Xuân về. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Cùng với công cuộc xây dựng và phát triển các nhà trạm trên DK1 là việc tổ chức lực lượng chốt giữ. Ngày 6/6/1989 khung đơn vị DK1 trực thuộc Lữ đoàn 171 với nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa phía Đông Nam được thành lập.

Từ đó, mỗi dịp Tết đến Xuân về lại có các đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân theo các chuyến tàu của Lữ đoàn 125 ra các nhà giàn, mang quà Tết ra cho các cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ gác biển.

Tại khu vực DK1, các điểm đóng quân là các nhà trạm có kết cấu bằng thép dựng trên các bãi cạn san hô có độ sâu từ 15-30m do các cán bộ, chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn DK1 chốt giữ.

Các nhà trạm được phân thành 6 cụm (Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Ba Kè) và bãi cạn Cà Mau.

Khu vực DK1 án ngữ đường hàng hải quốc tế từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, tuyến đường hàng hải chính qua Biển Đông, với nhiều mỏ dầu, trong đó một số mỏ được đánh giá là có trữ lượng lớn. Bởi vậy, vùng biển DK1 có vai trò rất quan trọng trong việc phòng thủ cũng như phát triển kinh tế biển của nước ta.

Vị Trưởng đoàn dạn dày sóng gió

Đại tá Phạm Quyết Tiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, là Trưởng đoàn Đoàn công tác số 2 ra chúc Tết các nhà giàn: DK1/10, DK1/11, DK1/12, DK1/14 và DK1/15.

​Ra nhà giàn mùa biển động: Người anh cả trên tàu Trường Sa 19 ảnh 2Đại tá Phạm Quyết Tiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn Đoàn Công tác số 2 (thứ ba từ trái sang) trao quà cho cán bộ, chiến sỹ nhà giàn. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)

Không chỉ là người có chức vụ, trách nhiệm cao nhất trên con tàu Trường Sa 19, ông còn là vị sỹ quan có tuổi quân lâu nhất và là người dạn dày sóng nước nhất.

Đại tá Tiến sinh ra và lớn lên ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, quê hương của Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 10/1930 đến tháng 4/1931 (lúc đó có tên là Đảng Cộng sản Đông Dương).

Từ làng quê yên ả của ông vượt qua bờ đê cao cao là dòng sông La xanh mát, phụ lưu của sông Lam, dài 12,5km và vốn là hợp lưu của hai sông nhỏ: Ngàn Phố và Ngàn Sâu.

Trong con mắt của vị sỹ quan có hơn ba chục tuổi quân, con sông của tuổi thơ hiền hòa, nước trong vắt vào mùa Hè và dữ dội, đục ngầu vào mùa lũ.

Những lần ngụp lặt trên dòng sông quê hương chính là “kinh nghiệm sóng nước” đầu tiên của vị chỉ huy trên nhiều con tàu chiến ở Lữ đoàn 171 trước khi Vùng 2 Hải quân được tái lập vào năm 2009.

Ươc mơ trở thành “lính biển” của cậu bé gầy gò có nước da rám nắng bắt nguồn từ cảm nhận rất trẻ thơ, hồn nhiên - vẻ đẹp của bộ quân phục áo trắng quần xanh và sự rắn rỏi của một chiến sỹ hải quân vốn là người làng.

​Ra nhà giàn mùa biển động: Người anh cả trên tàu Trường Sa 19 ảnh 3Cán bộ, chiến sỹ vận chuyển hàng Tết lên nhà giàn DK1/15. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đại tá Phạm Quyết Tiến tâm sự: “Dù ước mơ đã trở thành hiện thực suốt 35 năm qua, niềm tự hào là bộ đội hải quân vẫn đầy ắp trong tôi như ngày nào. Chỉ khác là tình cảm này giờ đây quyện lẫn với trách nhiệm thiêng liêng bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Tình yêu với hải quân của tôi đã truyền sang cậu con trai lớn, như một lẽ tự nhiên. Cháu đang học ở Học viện Hải quân ở Nha Trang. Ông bà ngoại cũng từng phục vụ trong lực lượng hải quân. Vậy cháu là thế hệ lính biển thứ ba trong đại gia đình.”

Trong suốt 16 ngày đêm tàu Trường Sa 19 lênh đênh trên biển, đè những cơn sóng cấp 6, cấp 7 giật cấp 8, với vẻ ngoài điềm đạm, vị đại tá nhiều lần tỏ rõ bản lĩnh của một người chỉ huy cao nhất.

Các phóng viên đi trên tàu ghi sâu ấn tượng của lần Đoàn công tác tiếp cận Nhà giàn DK1/14. Biển động do gió mùa Đông Bắc tràn xuống phía Nam, sóng nhồi cao 4-5 mét, chiếc xuồng máy tách khỏi con tàu lớn, bị nước đẩy lên, kéo xuống, gió quật trái, quật phải.

Những người chứng kiến liên tưởng tới cảnh tượng chiếc lá tre trong chiếc ao lớn giữa cơn dông bão.

Trưởng đoàn Đoàn công tác quyết định: “Tình thế nguy hiểm, ngoài tôi và anh Dũng (Đại tá Hoàng Minh Dũng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 2, Phó Trưởng đoàn Đoàn công tác) không ai trong Đoàn công tác được xuống xuồng. Tất cả ở yên trên tàu đợi lệnh của tôi từ nhà giàn.”

Con xuồng nhỏ cùng tổ lái đem theo vị Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn hướng về nhà giàn, chạy ngoằn ngoèo tránh sóng, có lúc mất dạng dưới lớp lớp sóng nối nhau không dứt.

Những người trên tàu hồi hộp trông theo rồi thở phào nhẹ nhõm khi thấy ở đằng xa hai chấm vàng cam của áo phao xuất hiện trên cầu tàu nhà giàn rồi lên cao dần, cao dần theo từng bậc thang…

Lần khác, khi Đoàn công tác lên Nhà giàn DK1/12 để chúc Tết những người “gác biển” trong điều kiện sóng to, gió lớn, Trưởng đoàn Phạm Quyết Tiến và Phó Trưởng đoàn Hoàng Minh Dũng cũng là những người đầu tiên xuống xuồng và lên nhà giàn để đánh giá mức độ nguy hiểm.

Sau đó, từ nhà giàn, vị Trưởng đoàn chỉ đạo cử duy nhất một nhà báo TTXVN, người có tác phong nhanh nhẹn, xuống chuyến xuồng thứ hai để lên nhà giàn.

Vì sao phải chấp nhận mạo hiểm dù đã có phương án dự phòng là gửi lời chúc Tết cán bộ, chiến sỹ qua máy bộ đàm? Cũng có thể chuyển quà bằng cách bọc kín ni lông, thả từ xuồng xuống biển rồi kéo lên nhà giàn mà không cần cho xuồng tiến sát chân công trình, rất dễ xảy ra tai nạn nếu người điều khiển thiếu khéo léo và bản lĩnh.

Đại tá Phạm Quyết Tiến trầm ngâm giây lát rồi chậm rãi trả lời: “Đúng là có những chuyến đi chúc Tết mà chúng tôi chỉ lên được một trong năm nhà giàn (Nhà giàn DK1/15) vì lý do khách quan. Nhưng chúng tôi tâm niệm rằng phải cố gắng tối đa và giữ mức độ an toàn cần thiết khi tiếp cận các nhà giàn. Điều này không bao giờ là dễ dàng trong suốt mùa biển động. Bản thân tôi đã thực hiện nhiều chục chuyến tàu ra biển, ăn nhiều cái Tết liên tục giữa đại dương, tôi hiểu các cán bộ, chiến sỹ nhà giàn mong mỏi đến mức nào về việc được nắm tay, nghe lời động viên trực tiếp của cấp trên, của những người từ đất liền ra. Vượt bao ngày đêm, cưỡi bao cơn sóng để rồi khi tàu chỉ cách chân nhà giàn vài ba trăm mét mà không được gặp, trao tận tay quà Tết cho cán bộ, chiến sỹ của mình thì niềm day dứt không thể nào diễn tả được.”

Đại tá Phạm Quyết Tiến kể, có lần đang chúc Tết cán bộ, chiến sỹ nhà giàn qua máy bộ đàm thì giọng của ông đột ngột chùng xuống, rồi nghẹn ngào. Chính trị viên trên nhà giàn hồi đáp, giọng cũng nghèn nghẹt lại rồi tắt nửa chừng…

Lần khác, trong đoàn công tác có các chị thuộc các cơ quan dân-chính-đảng ở các địa phương, đội văn nghệ. Không lên được nhà giàn do biển động, các chị nhờ sóng bộ đàm gửi tới bộ đội hải quân những bài hát mừng Xuân.

Cất lời được mấy câu, các chị òa lên nức nở làm cho tất cả những người trên nhà giàn và trên tàu cũng không cầm được nước mắt…

Bám biển dài ngày đến nỗi một số chiến sỹ, sỹ quan hải quân có cảm giác chòng chành khi ở trên bờ-một hiện tượng có tên là “say đất liền.”

Có lần, đang ngủ say ở giữa phố thị, Đại tá Phạm Quyết Tiến chợt choàng tỉnh bởi bên tai văng vẳng tiếng còi dài từng hồi, từng hồi da diết. Đó là trong vô thức ông nhớ lại cảnh tượng con tàu của mình chạy vòng quanh nhà giàn, cất lên lời từ biệt theo cách riêng của mình.

Nhà giàn không có thiết bị âm thanh để đáp lại tiếng hú của con tàu, chỉ có những cánh tay nhỏ xíu từ tít trên cao vẫy vẫy, rồi mờ dần, mờ dần cho đến khi mất hút dưới chân sóng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục