Sáng 5/3, tại Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) 138 Giảng Võ (Hà Nội), Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 đã chính thức ra mắt.
Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 được thành lập theo Quyết định số 771/QĐ-BYT ngày 4/3/2020 trực thuộc Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).
Trung tâm có chức năng quản lý, điều hành các nguồn lực và hoạt động chuyên môn nhằm hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh trong thu dung, cách ly, chẩn đoán và điều trị người bệnh COVID-19 trực tiếp hoặc trực tuyến từ xa qua công nghệ thông tin và viễn thông.
Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch COVID-19, dù có bệnh nhân nặng nhưng chúng ta đã ứng phó tốt, không để xảy ra trường hợp tử vong, lây nhiễm sang nhân viên y tế. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải lường trước những tình huống bùng phát dịch bệnh trên quy mô lớn, có nhiều bệnh nhân nặng.
Vì thế, sự ra đời của Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 sẽ giúp hỗ trợ về chuyên môn với các tuyến, kể cả vùng sâu, vùng xa.
[Việt Nam chế tạo thành công bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2]
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ: "Kinh nghiệm của các giáo sư đầu ngành từ tuyến trung ương được áp dụng ngay cho tuyến cơ sở. Lâu nay chúng ta hỗ trợ y tế tuyến dưới qua hệ thống trực tuyến, qua điện thoại, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập. Sự ra đời của Trung tâm sẽ khắc phục được mọi hạn chế trước đây. Thông qua sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các chuyên gia tuyến trên ở bất cứ đâu cũng có thể nhìn thấy bệnh nhân và các thông số, chức năng sống, tình trạng của bệnh nhân, biết được tất cả diễn biến của bệnh nhân từ hô hấp, điện tim… từ đó sẽ hỗ trợ tuyến dưới chỉ định phù hợp về thở máy, truyền dịch."
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Khi dịch xảy ra diện rộng, việc thiếu bác sĩ hồi sức là hiện hữu, vì thế Việt Nam phải triển khai ngay việc xây dựng và ra mắt Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19."
Một trong những vấn đề của dịch bệnh là thời gian tiếp xúc của người chăm sóc với người bệnh càng nhiều, tỷ lệ lây nhiễm càng tăng. Do đó nếu có phương tiện, hình thức chăm sóc vừa đảm bảo theo dõi bệnh nhân kịp thời, lại giúp hạn chế lây nhiễm giữa nhân viên y tế và bệnh nhân là rất cần thiết. Hệ thống này ra đời góp phần giảm tiếp xúc của nhân viên y tế và bệnh nhân.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) cho biết, ngay khi nhận định có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã thành lập Hội đồng chuyên môn với sự tham gia của đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành các chuyên khoa Truyền Nhiễm, Hồi sức tích cực, Nhi khoa, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Cận lâm sàng từ các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Học viện Quân Y, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh…, xây dựng một hệ thống tài liệu chuyên môn và trực tiếp hỗ trợ tuyến dưới.
Với 4 phương châm tại chỗ "cách ly tại chỗ," "điều trị tại chỗ," "nguồn lực tại chỗ" và "chỉ huy tại chỗ" cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực của các thầy thuốc, sự hợp tác của người bệnh, đồng lòng của người dân, với tinh thần "chống dịch như chống giặc," "không được chủ quan, không để dịch lây lan" đã giúp Việt Nam nhanh chóng hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh và điều trị thành công cho 16 ca bệnh COVID-19.
"Việc kết nối giữa chuyên gia, bệnh viện tuyến cuối với các bệnh viện tuyến dưới giúp chuyển tải nhanh chóng các chỉ đạo điều hành, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn từ các lãnh đạo, chuyên gia tới những bác sỹ ở tuyến đầu đang trực tiếp điều trị người bệnh. Việc áp dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong tư vấn điều trị từ xa giúp nâng cao năng lực xử lý dịch bệnh của hệ thống khám, chữa bệnh, kịp thời đối phó với các cấp độ kịch bản bệnh dịch," Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
"Trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh có điều trị người bệnh COVID-19, Trung tâm điều hành sẽ thiết lập điểm cầu để đảm bảo việc giám sát, hỗ trợ từ xa về chuyên môn chẩn đoán điều trị người bệnh COVID-19 tại chỗ. Điều này giúp hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên không cần thiết," Phó Lương Ngọc Khuê thông tin thêm.
Cũng trong dịp này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng công bố Bộ tài liệu phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị bệnh COVID-19 bao gồm: Sổ thông tin y tế Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch COVID-19; hướng dẫn phòng và Kiểm soát lây nhiễm bệnh COVID-19; hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị bệnh COVID-19.
Đây là những tài liệu quan trọng đã giúp các cơ sở khám, chữa bệnh và nhân viên y tế toàn hệ thống phát hiện, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa nhiễm khuẩn trong bệnh viện.
Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 do Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan sẽ tận dụng được tất cả ưu điểm của các Giải pháp Y tế số 4.0 trong công tác đẩy lùi dịch trên toàn quốc. Đó là các giải pháp tích hợp công nghệ truyền hình hội nghị (teleconferencing), bệnh án điện tử tập trung, kết nối với máy monitoring bệnh nhân, hệ thống PACS cloud để hội chẩn kết quả chẩn đoán hình ảnh..., cho phép các chuyên gia, các nhà quản lý tư vấn chuyên môn và chỉ đạo điều hành cho tuyến dưới một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị.
Trung tâm có khả năng kết nối đến 23 điểm cầu trọng điểm chống dịch và hơn 1.400 bệnh viện trên cả nước.
Giải pháp Y tế số 4.0 tại "Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19" giúp triển khai một hệ thống hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 xuyên suốt từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tới các cơ sở khám, chữa bệnh có thu dung, cách ly, điều trị người bệnh COVID-19./.