Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ vừa tổ chức công bố cuốn sách với tựa đề “Từ kẻ thù tới đối tác: Việt Nam, Hoa Kỳ và chất độc da cam” của hai tác giả phó giáo sư-tiến sỹ Lê Kế Sơn, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam và ông Charles R. Bailey, nguyên đại diện quỹ Ford tại Việt Nam.
Với sự điều phối của chuyên gia cao cấp của CSIS Murray Hiebert, hai tác giả đã trình bày nội dung chính cuốn sách và các đề xuất về việc thúc đẩy hợp tác song phương về khắc phục hậu quả chất độc da cam trong thời gian tới.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh và ông Tim Rieser, Trợ lý Cao cấp về đối ngoại của Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, đã tham dự và phát biểu tại hội thảo.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington ngày 3/11, trong cuộc hội thảo, các tác giả Lê Kế Sơn và Charles Bailey cho biết cuốn sách là kết quả nghiên cứu lâu dài, trong suốt quá trình hai nước vượt qua các khó khăn để hợp tác, là quá trình hai nước đã chuyển từ thù địch sang đối tác, hợp tác triển khai các chương trình khắc phục hậu quả chất độc da cam đối với sức khỏe con người và môi trường.
[Khắc phục hậu quả chiến tranh: Điểm sáng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ]
Các tác giả cho rằng việc Hoa Kỳ hợp tác hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh; trong đó có chất độc da cam, đã góp phần thúc đẩy quan hệ song phương, đồng thời thể hiện nghĩa vụ nhân đạo và đạo đức.
Các tác giả cũng đánh giá cao việc hoàn tất việc tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng, với sự hợp tác hiệu quả của Việt Nam.
Kiến nghị phương hướng thời gian tới, các tác giả đề nghị phía Hoa Kỳ cần phối hợp cùng Việt Nam, xây dựng chương trình hợp tác lâu dài và toàn diện trong vấn đề này, bao gồm cả việc tẩy độc tại sân bay Biên Hòa và mở rộng giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh khẳng định 42 năm sau cuộc chiến tranh gây đau thương và mất mát, hai nước đã vượt qua một chặng đường dài, mở rộng hợp tác và trở thành Đối tác Toàn diện, trên tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai;” trong đó hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, bao gồm tẩy độc, tháo gỡ bom mìn còn sót lại và giúp đỡ các nạn nhân là một vấn đề nhân đạo, luôn được coi trọng.
Đại sứ hoan nghênh kết quả nghiên cứu của hai tác giả và các đề xuất được nêu trong cuốn sách, cho rằng Việt Nam cần được giúp đỡ nhiều hơn nữa, do việc sử dụng chất độc da cam trong thời gian chiến tranh với quy mô chưa từng có, ảnh hưởng trên diện rộng và có tới hàng triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, di chứng dai dẳng nhiều thế hệ.
Đại sứ cảm ơn và đánh giá cao sự giúp đỡ của những người bạn Việt Nam như Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, cùng nhiều tổ chức, cá nhân khác, trong đó có Trợ lý Cao cấp Tim Rieser và hai tác giả Lê Kế Sơn, Charles Bailey, trở thành cầu nối quan trọng trong quan hệ hai nước, xây dựng lòng tin, thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.
Đại sứ Phạm Quang Vinh ghi nhận sự hợp tác, giúp đỡ của phía Hoa Kỳ trong 19 năm qua, cả về tẩy độc và giúp đỡ nạn nhân, trong đó có dự án tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng.
Việc tẩy độc thành công sân bay Đà Nẵng là một sự kiện có tính biểu tượng trong hợp tác nhân đạo, giải quyết hậu quả chiến tranh giữa hai nước.
Đại sứ cho rằng yêu cầu cần giúp đỡ là rất lớn, do đó đề nghị Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục và mở rộng hơn nữa chương trình khắc phục hậu quả chất độc da cam cả với con người và môi trường, coi đây là vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Đại sứ cũng đề nghị phía Hoa Kỳ phối hợp với Việt Nam, cung cấp tài chính và sớm khởi động dự án tẩy độc tại sân bay Biên Hòa.
Đại sứ bày tỏ tin tưởng vào thành công của chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Donald Trump sẽ tạo đà tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước, trong đó có việc khắc phục hậu quả chiến tranh và chất độc da cam.
Trợ lý Tim Rieser đánh giá cao cam kết và sự ủng hộ của Quốc hội Hoa Kỳ đối với vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh và chất độc da cam tại Việt Nam.
Trong những năm qua, Quốc hội Hoa Kỳ đã chuẩn chi hơn 200 triệu USD để xử lý tẩy độc tại Đà Nẵng và hỗ trợ các nạn nhân.
Ông khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp tài chính cho những chương trình này, trong đó có dự án Biên Hòa và việc mở rộng chăm sóc sức khỏe các nạn nhân.
Ông Tim Rieser được báo chí Hoa Kỳ coi là một trong những trợ lý chính sách đối ngoại quyền lực nhất tại Quốc hội và có ảnh hưởng lớn đối với nền chính trị Hoa Kỳ./.