Ra mắt sách hướng dẫn chế biến thực phẩm nhân tạo đầu tiên

Một nhóm nhà khoa học, đầu bếp và nghệ nhân ẩm thực Hà Lan đã ra mắt cuốn sách đầu tiên trên thế giới dạy nấu các món ăn từ thực phẩm nhân tạo.
Thịt bò băm viên nhân tạo đầu tiên trên thế giới. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 5/8, một nhóm nhà khoa học, đầu bếp và nghệ nhân ẩm thực Hà Lan đã chính thức cho ra mắt cuốn sách đầu tiên trên thế giới dạy nấu các món ăn từ thực phẩm được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Cuốn sách bao gồm các công thức chế biến các món như chân chim nướng, bánh chim cưu, hàu nhân tạo...

"Cẩm nang chế biến thịt nhân tạo" ra mắt tại Amsterdam chỉ một năm sau khi chiếc bánh kẹp thịt bò nhân tạo đầu tiên được giới thiệu ở London (Anh), sự kiện vốn được coi là khởi đầu cho cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp thực phẩm thế giới.

Cuốn sách dày 186 trang ra đời dựa trên ý tưởng về loại thịt được tạo ra từ các phản ứng sinh học giữa các tế bào lấy từ động vật sống với vô số những ý tưởng mới giúp người đọc có cái nhìn chân thực hơn về các sản phẩm làm từ thịt nhân tạo trong tương lai.

Nhà nghiên cứu Koert van Mensvoort, tác giả chính của cuốn sách, chia sẻ cuốn cẩm nang này không chỉ dừng lại ở khái niệm thịt nhân tạo thông thường mà nó còn đề cập tới những nét sáng tạo và mô tả sinh động các sản phẩm làm từ thịt nhân tạo sẽ xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình trong tương lai.

Cuốn sách cũng hướng dẫn tỉ mỉ từ các khâu tự "nuôi trồng" các loại thịt nhân tạo tại nhà cho đến khi có thể đem ra chế biến.

Một năm trước giáo sư Mark Post thuộc Đại học Maastricht (Hà Lan) đã giới thiệu chiếc bánh "Frankenburger" kẹp thịt bò nhân tạo đầu tiên, qua đó chứng minh việc tạo thịt bò từ việc nuôi trồng các tế bào bắp là hoàn toàn khả thi.

Các nhà khoa học cũng khẳng định thịt bò nhân tạo là thực phẩm an toàn và nó sẽ dần dần thay thế thịt bò mà chúng ta đang ăn trong thực đơn của mỗi gia đình, từ đó giảm thiểu những tác hại đến môi trường có thể xảy ra do việc chăn nuôi gia súc.

Ông Van Mensvoort cho biết mục đích chính của các nhà khoa học không phải nhằm quảng bá cho việc nuôi trồng thịt trong phòng thí nghiệm hay dự báo tương lai mà chỉ đơn thuần đa dạng hóa các món ăn và văn hóa ẩm thức để giúp con người có nhiều lựa chọn hơn trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục