Ra mắt phim ngắn dừng gây nuôi thương mại động vật hoang dã nguy cấp

Hầu hết các tổ chức bảo tồn, các nhà khoa học đều không ủng hộ hoạt động buôn bán, gây nuôi vì mục đích thương mại đối với tất cả các loài động vật hoang dã nguy cấp, trừ cá sấu và một số loài...

Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2020, ngày 4/6, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên-ENV đã phát hành phim ngắn “Chấm dứt gây nuôi thương mại động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm để bảo tồn đa dạng sinh học.”

Phim ngắn là một chuỗi những lập luận từ các tổ chức bảo tồn, chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan thực thi pháp luật phản bác lại luận điểm “nên cho phép gây nuôi, kinh doanh thương mại các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.”

Theo đại diện ENV, với những người ủng hộ, gây nuôi thương mại động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm vừa là một giải pháp kinh tế, đem lại lợi nhuận cho người nuôi, cũng như giúp giảm thiểu sức ép đối với các quần thể loài trong tự nhiên vì nạn săn bắt sẽ giảm mạnh khi nguồn cung chủ yếu đến từ các cơ sở gây nuôi,...

[Bộ TN-MT kêu gọi người dân sống hài hòa với thiên nhiên]

Tuy nhiên, quan điểm ENV và hầu hết các tổ chức bảo tồn, các nhà khoa học đều không ủng hộ hoạt động buôn bán, gây nuôi vì mục đích thương mại đối với tất cả các loài động vật hoang dã nguy cấp, trừ cá sấu và một số loài nhất định (được công bố trong Danh mục cụ thể) là những loài có khả năng sinh sản, phát triển tốt qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát, không tổn hại đến ngoài tự nhiên.

Ra mắt phim ngắn dừng gây nuôi thương mại động vật hoang dã nguy cấp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Đại diện ENV cho rằng nếu cho phép gây nuôi thương mại động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm sẽ khiến các cơ quan chức năng không thể phân biệt được tính chất pháp lý (hợp pháp hay bất hợp pháp) của các cá thể động vật hoang dã trên thị trường. Đây chính là kẽ hở để các đối tương buôn bán lợi dụng trục lợi.

Ngoài ra, việc theo dõi các hoạt động buôn bán, săn bắt và vận chuyển động vật hoang dã cũng như sản phẩm từ động vật hoang dã là những thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng. Nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm bị cấm cũng có khả năng gia tăng sau khi các sản phẩm này được phép lưu thông trên thị trường.

“Hiện số lượng cá thể của các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trong tự nhiên còn lại rất ít. Do đó, chỉ riêng hoạt động khai thác để nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu cũng có thể đẩy các loài này đến gần hơn với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên,” đại diện ENV nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục