Sáng 1/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) đã tổ chức lễ ra mắt “Mạng lưới khởi nghiệp Việt Nam,” nhằm thúc đẩy tầm quan trọng của chính sách trách nhiệm xã hội hướng đến vấn đề bảo tồn thiên nhiên hoang dã.
Hơn 60 lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân cùng đại diện các trường đại học, các hiệp hội doanh nghiệp, các quỹ khởi nghiệp…đã tham dự lễ ra mắt và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trên nhiều lĩnh vực tham gia mạng lưới này.
Chia sẻ tại buổi lễ, bà Madelon Willemsen, Trưởng đại diện TRAFFIC tại Việt Nam khẳng định, mạng lưới khởi nghiệp Việt Nam là cơ hội để truyền tải và lan tỏa thông điệp không khoan nhượng đối với việc tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã đến cộng đồng doanh nghiệp.
“Chúng tôi khuyến khích những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận chính sách trách nhiệm xã hội không chỉ là đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp mà còn là hướng đi mang lại nhiều lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp,” bà Madelon Willemsen nhấn mạnh.
Về phía Việt Nam, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Những người bắt đầu khởi nghiệp cần có vốn, kiến thức và kinh nghiệm về thị trường. Vì thế, để doanh nghiệp phát triển cần có sự kết nối toàn cầu để có thêm nhiều kinh nghiệm, sáng kiến.
Mạng lưới khởi nghiệp Việt Nam được thành lập trên cơ sở để kết nối với toàn cầu và có thêm nhiều ý kiến hơn. Khi thành lập xong, Ban điều hành của mạng lưới sẽ xây dựng các chương trình hành động và mỗi một tổ chức cá nhân có thể đưa ra những sáng kiến của mình, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
Với tinh thần trên, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) kiến nghị: Các doanh nghiệp thành viên cần xem chính sách trách nhiệm xã hội như một công cụ hiệu quả nhằm nâng cao uy tín doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng khả năng tiếp cận tới nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước.
“Không những thế, chính sách trách nhiệm xã hội còn là phương thức hỗ trợ hiệu quả trong công tác bảo tồn thiên nhiên hoang dã hướng đến một hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Đó cũng là động lực để các doanh nghiệp cùng chung tay đấu tranh chống lại việc buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã trong đó bao gồm sừng tê giác,” bà Thủy nhấn mạnh.
Cũng tại lễ ra mắt, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong năm 2017 sẽ diễn ra “Diễn đàn khởi nghiệp APEC” kết nối 21 nền kinh tế của APEC. Sự kiện này dự kiến sẽ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là điều kiện tốt để các doanh nghiệp khởi nghiệp nước ta kết nối, học hỏi kinh nghiệm để phát triển trong thời gian tới./.