Ra mắt mạng lưới cấm sử sụng amiăng trắng ở Việt Nam

Mạng lưới cấm sử dụng amiăng ở Việt Nam đã được ra mắt tại hội thảo "Chung tay xây dựng lộ trình cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam."
Ra mắt mạng lưới cấm sử sụng amiăng trắng ở Việt Nam ảnh 1Tại các vùng cao, người dân còn sử dụng tấm lợp amiăng khá nhiều. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 27/11, Trung tâm Thông tin tổ chức phi chính phủ (NGO-IC) tổ chức hội thảo "Chung tay xây dựng lộ trình cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam" với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Bộ Công Thương; đồng thời ra mắt Mạng lưới cấm sử dụng amiăng ở Việt Nam (Vn-BAN).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết amiăng là tên gọi chung của loại sợi khoáng silicat. Từ xa xưa con người đã biết sử dụng amiăng trong sản xuất phục vụ đời sống.

Đến nay đã có khoảng trên 3.000 loại sản phẩm khác nhau được sản xuất từ nguyên liệu amiăng. Tại Việt Nam, amiăng trắng được sử dụng chủ yếu trong sản xuất tấm lợp amiăng - ximăng.

Mỗi năm, 41 cơ sở sản xuất có khả năng cung ứng ra thị trường trên 100 triệu mét vuông, đáp ứng ít nhất khoảng 60% nhu cầu tấm lợp của người dân (chủ yếu là người dân sống ở nông thôn, miền núi do giá cả phù hợp và độ bền cao); tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động...

Ông Trần Anh Thành, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết amiăng trắng được khẳng định là có hại cho sức khỏe. Amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiăng phán tán trong môi trường.

Các công việc phát sinh bụi chủ yếu trong quy trình sản xuất (xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn...) hay trong sử dụng tại cộng đồng khi người dân khoan, cắt, phá vỡ, đập các tấm lợp, vật liệu có chứa amiăng, sử dụng các vật liệu amiăng để làm đường, đổ làm móng nhà...

Tác hại của amiăng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng được biết đến là gây bệnh bụi phổi-amiăng, ưng thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim) tràn dịch và dày màng phổi, ung thư thực quản, buồng trứng.

Người tiếp xúc với amiăng thường phát bệnh sau khi tiếp xúc rất lâu từ 20-30 năm nên thường đến khi người lao động nghỉ hưu mới mắc bệnh. Amiăng là chất gây ung thư nghề nghiệp quan trọng nhất.

Ông Trần Anh Thành nhấn mạnh công tác giám sát sức khỏe định kỳ của người lao động trong phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng tại các quốc gia cũng như ở Việt Nam thường không hiệu quả. Amiăng là một bệnh nghề nghiệp được chi trả bảo hiểm ở Việt Nam từ năm 1976. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có đủ nguồn lực để nghiên cứu, giám sát các ca bệnh do amiăng gây ra.

Gần đây, nghiên cứu hợp tác của Bộ Y tế với Viện, Bệnh viện của Nhật Bản khẳng định đã có các trường hợp ung thư trung biểu mô tại Việt Nam và báo cáo thống kê tại bệnh viện cho thấy số lượng bệnh nhân ung thư trung biểu mô có xu hướng gia tăng.

Bộ Y tế kiến nghị Việt Nam cần có những quyết định kịp thời và không nên kéo dài việc sử dụng amiăng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là sức khỏe cho người tiêu dùng và cộng đồng.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Xây dựng tổ chức hướng dẫn có cơ sở sản xuất tấm lợp đang sử dụng amiăng chuyển đổi sang dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiăng và tiến tới không sử dụng amiăng trong sản xuất tấm lợp; Bộ Khoa học Công nghệ tăng cường nghiên cứu đối với các loại vật liệu thay thế amiăng và các phương pháp xử lý chất thải rắn có chứa amiăng đảm bảo an toàn sức khỏe con người và môi trường...

Tiến sỹ Trần Tuấn, đại diện Mạng lưới cấm sử dụng amiăng ở Việt Nam cho biết theo kết quả nghiên cứu thực trạng sử dụng sản phẩm chứa amiăng của người dân và khả năng tạo lập cộng đồng nói không với amiăng tại 2 xã thuộc Yên Bái và Thanh Hóa cho thấy 85% số hộ có dùng tấm lợp amiăng (lợp nhà, khu phụ, rào...); gần 1/3 người dân có nghe thông tin về amiăng; dưới 5% người đã được nghe nói về tác hại sức khỏe, môi trường của amiăng và gần như người dân không hề biết thế giới cấm sử dụng amiăng...

Sau khi tiếp nhận thông tin về tác hại của amiăng đến sức khỏe, môi trường thì có 2/3 số hộ đang sử dụng tấm lợp đồng ý sẽ thay bằng vật liệu khác, gần 75% số hộ chấp nhận vay vốn để chuyển đổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục