Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sáng 15/11, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (số 47 Hàng Quạt), Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức ra mắt không gian phát huy giá trị văn hóa lịch sử “Hội Truyền bá chữ quốc ngữ và danh nhân Nguyễn Văn Tố” và tọa đàm lịch sử chữ quốc ngữ.
Ông Phạm Đức Nam, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, cho biết công trình 47 Hàng Quạt được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, có sự kết hợp hài hòa của kiến trúc châu Âu và Á Đông. Đây vốn là nhà của chí sỹ Nguyễn Văn Tố - người từng là Hội trưởng Hội Truyền bá chữ quốc ngữ, Bộ trưởng Cứu tế xã hội, Trưởng ban Thường vụ Quốc hội, người có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Nơi đây cũng là trụ sở của Hội Truyền bá chữ quốc ngữ - cái nôi của bình dân học vụ, truyền bá những dòng chữ quốc ngữ, tiếng nói của người Việt đến mọi miền Tổ quốc.
Hưởng ứng phong trào diệt “giặc dốt,” trí thức Hà Nội tích cực mở các lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa tại biệt thự số 59 phố Hàng Đàn, nay là số 47 phố Hàng Quạt để dạy chữ cho nhân dân Thủ đô. Lớp học nơi đây vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm.
Hơn 100 năm qua, ngôi biệt thự cổ ở số 47 Hàng Quạt chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của Thủ đô qua các giai đoạn lịch sử. Công trình này cũng là hội sở của Hội Quốc tế ngữ Esperanto trong những năm đầu của thế kỷ 20, đưa nhân dân Việt Nam hội nhập với nền văn hóa thế giới.
Là một công trình kiến trúc tiêu biểu được quận Hoàn Kiếm đầu tư, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố được cải tạo, sửa chữa, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lịch sử ý nghĩa.
Tại không gian này trưng bày các bức ảnh, bài viết, tranh vẽ... thể hiện một giai đoạn lịch sử của quá trình truyền bá những dòng chữ quốc ngữ.
Theo bà Trịnh Ngọc Trâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm, không gian tại 47 Hàng Quạt sẽ là địa chỉ văn hóa lịch sử có ý nghĩa lớn, góp phần giáo dục học sinh, giúp các em thêm hiểu biết, trân trọng chữ quốc ngữ của dân tộc.
Cùng các bạn tham quan không gian trưng bày, em Nguyễn Khánh An, lớp 10A1 (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố), cho biết em rất tự hào khi được học tập ở ngôi trường có truyền thống lịch sử cách mạng. Tại đây có nhiều kiến thức lịch sử mới mẻ lần đầu tiên em được tiếp cận, trong đó đặc biệt là công lao của cụ Nguyễn Văn Tố trong quá trình truyền bá chữ quốc ngữ đến với người dân.
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết quận luôn coi phát huy giá trị văn hóa của các công trình kiến trúc lịch sử là một nhiệm vụ quan trọng.
Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm xây dựng kế hoạch và giao đơn vị chuyên môn trùng tu, tôn tạo một số công trình mang giá trị kiến trúc Pháp. Mục tiêu là bảo tồn, gìn giữ những di sản - dấu ấn của lịch sử phát triển đô thị Thủ đô, cải tạo chỉnh trang đô thị, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, mang lại điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, du lịch.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố tại 47 Hàng Quạt là một công trình kiến trúc tiêu biểu được quận đầu tư cải tạo, sửa chữa.
Tại lễ ra mắt, các đại biểu, nhà giáo, học sinh cùng dự tọa đàm về lịch sử chữ quốc ngữ để hiểu sâu sắc hơn quá trình hoạt động của Hội Truyền bá chữ quốc ngữ, những đóng góp quan trọng của chí sĩ Nguyễn Văn Tố - một trí thức tiêu biểu, tiên phong cổ vũ phong trào học, sử dụng chữ quốc ngữ những năm đầu thế kỷ 20./.
Hiểu hơn về chữ quốc ngữ qua công trình nghiên cứu từng được in tại Pháp
Cuốn sách “Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919” của Tiến sỹ Phạm Thị Kiều Ly đưa người đọc trở về buổi bình minh của ngôn ngữ tiếng Việt.