Ra mắt hệ thống xử lý nước thải gia đình, làng nghề thông minh

Hệ thống xử lý nước thải thông minh tại nguồn quy mô hộ gia đình ở huyện Đông Anh, thủ đô Hà Nội, là hệ thống được lắp đặt và vận hành thí điểm đầu tiên trên cả nước.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng vận hành hệ thống xử lý nước thải thông minh. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Ngày 25/7, tại huyện Đông Anh, thủ đô Hà Nội, hệ thống xử lý nước thải gia đình và làng nghề (hoặc cụm dân cư, tập thể) thông minh đã chính thức được vận hành.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh, địa phương này được thành phố Hà Nội lựa chọn thí điểm xây dựng “Thành phố thông minh” giai đoạn 2020-2025.

Theo đó, hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xử lý nước thải trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 và các năm tiếp theo sẽ từng bước được xây dựng đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật gắn với bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn huyện theo hướng đô thị hiện đại, bền vững.

Hệ thống xử lý nước thải thông minh tại nguồn quy mô hộ gia đình tại địa phương là hệ thống được lắp đặt và vận hành thí điểm đầu tiên trên cả nước.

[Người dân bức xúc vì trang trại lợn xả thải trực tiếp ra môi trường]

Tập đoàn Sơn Hà đã đề xuất với huyện Đông Anh về ứng dụng công nghệ tiên tiến JOHKASOU & GJR của Nhật Bản và Hàn Quốc (đã được áp dụng rộng rãi tại hai quốc gia trên) trong xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải làng nghề tại thôn Thiết Úng và thôn Hà Khê, xã Vân Hà, huyện Đông Anh.

Cụ thể, huyện Đông Anh đã cho lắp đặt 4 mô hình; trong đó có 2 mô hình xử lý nước thải làng nghề (công nghệ lý hóa và vi sinh), có công suất trên 50-75m3/ngày đêm; 2 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt (công nghệ vi sinh và màng lọc) của hộ dân, công suất 5m3/ngày đêm. Hệ thống được lắp đặt từ ngày 14/6 vừa qua.

Các hệ thống xử lý nước thải trên được hoạt động theo nguyên lý: đầu vào nước thải rồi đến song chắn rác, ngăn lắng cùng tách mỡ, ngăn điều hòa, ngăn lắng bùn sinh học, ngăn nước sạch và xả thải.

Bước đầu, hệ thống được đánh giá là nước thải ra đảm bảo tiêu chuẩn đô thị; công nghệ tự động thông minh, thân thiện môi trường, dễ dàng lắp đặt và triển khai trong thực tế.

Một phần hạng mục của hệ thống xử lý nước thải thông minh. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh, khi hệ thống được nhân rộng và đưa vào vận hành, khai thác sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với thôn Thiết Úng, thôn Hà Khê, xã Vân Hà nói riêng và huyện Đông Anh nói chung.

Hệ thống sẽ mang lại năng lực xử lý trên 50% nước thải sinh hoạt theo tiêu chí đô thị, trong khi huyện chưa thể đầu tư 3 trạm xử lý nước thải tập trung cùng hệ thống thu gom (ước tính hàng nghìn tỷ đồng) theo quy hoạch.

Tại Việt Nam, sự gia tăng dân số cùng với tốc độ công nghiệp hóa-đô thị hóa một cách nhanh chóng không chỉ gây áp lực với tài nguyên nước mà còn dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Số liệu của Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Xây dựng cho thấy chỉ có khoảng 13% nước thải tại các khu đô thị hiện nay được xử lý trước khi thải ra môi trường. Do vậy, rất cần có những giải pháp công nghệ để xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề, nước thải đô thị ngay tại nguồn trước khi thải ra môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục