Ra mắt cuốn sách về hành trình giải mã chữ Việt cổ

Sách “Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ” phản ánh hành trình 50 năm đi tìm lời "giải mã" chữ Việt cổ của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền.
Chiều 29/1 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Hồng Đức tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ” và giao lưu với tác giả - Nhà nghiên cứu chữ Việt cổ Đỗ Văn Xuyền.

Cuốn sách “Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ” của Nhà nghiên cứu chữ Việt cổ Đỗ Văn Xuyền đánh dấu hành trình 50 năm kiên trì, bền bỉ, với cái tâm trong sáng và lòng yêu đất nước sâu sắc, niềm tự hào về văn hóa Việt của tác giả. Cuốn sách đã “giải mã” được chữ Việt cổ - thứ chữ của một nền văn minh rực rỡ thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang.

Tác giả đã đi tới đích của hành trình với hướng đi riêng không giống với hướng đi của các bậc tiền bối, đó là trở về với nhân dân. Trong hành trình 50 năm đầy gian nan, ông không quản ngại đi đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, miền núi; các đình, đền, chùa… khắp cả nước. Bất cứ khi nào, nơi nào, cứ nghe thông tin có “chữ lạ” là ông lại lên đường.
 
Cuốn sách đã chứng minh, từ thời Hùng Vương, người Việt ta đã có chữ viết, được thể hiện trên Bản đồ giáo dục thời Hùng Vương, danh sách các thầy cô giáo thời Hùng Vương, các cuốn sách chữ Việt cổ hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng Sơn La và trên những hiện vật còn được lưu giữ ở khắp thế giới như Trống đồng của Việt Nam đang được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Paris (Pháp)...
 
Theo tác giả Đỗ Văn Xuyền, từ hàng nghìn năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đều khẳng định: Việt Nam có chữ viết từ rất sớm. Các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài cũng đã xác nhận: “Ngay từ trước công nguyên, người Việt đã có chữ tượng thanh – loại chữ ghép chữ cái thành từ.”

Theo công trình của nhà nghiên cứu người Pháp Haudricourt và qua khảo sát một số bộ tộc Việt cho thấy: trước công nguyên người Việt nói không dấu, do không có dấu nên bộ chữ Khoa Đẩu phải dùng tới hai loại phụ âm: phụ âm cao và thấp để thể hiện các từ khác nhau. Bộ chữ có đầy đủ số lượng nguyên âm, phụ âm cơ bản như chữ quốc ngữ. Những nét độc đáo trong bộ chữ chỉ có thể giải thích bằng ngôn ngữ Việt. Cách phát âm của bộ ký tự này hết sức đơn giản như cách nói của những người dân quê cổ. Các phụ âm khóa đuôi dùng chung…
 
Điều này được thể hiện trên các di chỉ khảo cổ đồ gốm, đồ đồng của thời kỳ Đông Sơn như lưỡi cày, đặc biệt là trống đồng cùng các hình vẽ chữ viết trên đá cổ ở Sa Pa , Xín Mần. Pá Màng… theo một hệ thống nhất quán. Tất cả đều khẳng định đó là những chữ viết cổ từ thời kỳ tiền văn tự, phát triển và hoàn thiện dần thành bộ chữ “Khoa Đẩu.”
 
Chữ Việt Cổ hay còn gọi là Chữ Khoa Đẩu, chữ Vua Hùng có hình dáng như những con nòng nọc đã được nhiều nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài khẳng định, tuy nhiên chưa có ai “giải mã” được Chữ Việt Cổ - thứ chữ đã bị mất từ sau khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại.
 
Cuốn sách dày 120 trang, do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2013./.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục