Sáng 29/3, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ Báo chí điều tra IJC.
Câu lạc bộ Báo chí điều tra (Investigative journalism club - IJC) thuộc Đề án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng” của Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện để dự thi Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2013, do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức.
Kết quả một số cuộc nghiên cứu, nhất là khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ cùng Ngân hàng Thế giới công bố năm 2012 cho thấy, 80% doanh nghiệp và cán bộ công chức cho rằng báo chí phát hiện ra tham nhũng trước khi cơ quan chức năng phát hiện. Bên cạnh đó, hơn 8% cho rằng áp lực từ báo chí giúp các vụ tham nhũng khỏi bị “chìm xuồng.”
Điều này khẳng định cần phải xây dựng minh bạch thật sự, trao quyền cho báo chí để giúp lĩnh vực này áp dụng kỹ năng điều tra, phát hiện trường hợp tham nhũng.
Tại lễ ra mắt, chủ nhiệm Đề án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng,” phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Trưởng khoa Báo chí-Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết mục tiêu của dự án Báo chí điều tra là hướng tới sinh viên báo chí, đào tạo kiến thức và kỹ năng điều tra ngay từ gốc, nỗ lực đưa điều tra phòng chống tham nhũng vào chương trình đào tạo cử nhân báo chí chính quy dưới hình thức lồng ghép vào các môn học.
Trên cơ sở thiết kế hoạt động của Câu lạc bộ Báo chí điều tra, sinh viên báo chí được đào tạo cả về kiến thức và thực hành kỹ năng nghề nghiệp, với nguồn lực tổng hợp từ các phía: giảng viên báo chí - sinh viên báo chí - nhà báo điều tra - chuyên gia lĩnh vực điều tra phòng, chống tham nhũng.
Theo kế hoạch, Đề án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong phòng chống tham nhũng” sẽ diễn ra trong 2 năm (2013 và 2014) với hy vọng có khoảng 10.000 sinh viên biết đến; 100 % sinh viên các lớp được thử nghiệm giảng dạy lồng ghép và tham gia câu lạc bộ hiểu được vai trò của báo chí và nhà báo điều tra trong phòng chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, sẽ có 80 đến 100 nhà báo điều tra và các cơ quan báo chí biết đến Đề án, chia sẻ ý kiến, tham gia hỗ trợ cho dự án trong công tác đào tạo, biên soạn tài liệu, hội đồng tuyển chọn thành viên Câu lạc bộ và bộ sưu tập.
Câu lạc bộ Báo chí điều tra IJC đi vào hoạt động sẽ góp phần xây dựng môi trường đào tạo và rèn luyện nghề nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng thực hành thể loại điều tra cho những “nhà báo” trẻ; đồng thời đưa sinh viên tiếp cận với môi trường báo chí sớm hơn, nhanh hơn và đảm bảo sự gắn kế giữa nhà trường với thực tiễn lao động báo chí. Mặt khác, sẽ giúp sinh viên bớt bỡ ngỡ và tác nghiệp được ngay sau khi ra trường.
Đặc biệt, thực hiện tốt được mô hình này sẽ nâng cao chất lượng đào tạo của khoa Báo chí, đặc biệt là xây dựng đội ngũ nhà báo giỏi của thể loại điều tra nói riêng và nền báo chí Việt Nam nói chung.
Nhân dịp này, website www.cjc.edu.vn của Chi hội nhà báo Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền chính thức ra mắt bạn đọc./.