Ra mắt các ghi chép chưa từng công bố của họa sĩ tài ba Lưu Công Nhân

Sách được xây dựng từ dữ liệu văn bản, hình ảnh do gia đình cố họa sỹ cung cấp cùng với nguồn tài liệu do tác giả thu thập từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các bộ sưu tập trong nước và nước ngoài.
Ra mắt các ghi chép chưa từng công bố của họa sĩ tài ba Lưu Công Nhân ảnh 1Ấn phẩm khắc họa chân dung mới mẻ, hoàn thiện hơn về họa sỹ Lưu Công Nhân. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nhà xuất bản Thế giới và nhà báo Đào Mai Trang (Báo Nhân Dân) vừa ra mắt cuốn sách “Lưu Công Nhân và hội họa,” tập hợp nhiều ghi chép, phác họa chưa từng công bố của họa sỹ tài danh.

Ấn phẩm là biên khảo đầu tiên về hành trình hội họa của họa sỹ Lưu Công Nhân (1929-2007), người có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử hội họa hiện đại Việt Nam.

[Triển lãm bộ sưu tập tranh đồ sộ nhất của danh họa Lưu Công Nhân]

Công trình được xây dựng từ nguồn dữ liệu văn bản, hình ảnh do anh Lưu Anh Tuấn, con trai út của cố họa sỹ cung cấp cùng với nguồn tài liệu do tác giả thu thập từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các bộ sưu tập tư nhân trong nước và nước ngoài.

Ra mắt các ghi chép chưa từng công bố của họa sĩ tài ba Lưu Công Nhân ảnh 2Sách tập hợp nhiểu ghi chép, phác thảo chưa từng công bố của họa sỹ Lưu Công Nhân. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ấn phẩm gồm ba chương. Chương đầu ghi lại các mốc thời gian quan trọng trong hành trình nghệ thuật Lưu Công Nhân từ thuở ấu thơ đến khi ông tạ thế.

Chương hai “Chúng ta là họa sỹ” gồm 4 phần nội dung chính: Về việc vẽ, Về cái đẹp, Về đồng tiền, Họa sỹ-anh là ai? Chương này bao gồm các trích đoạn từ các “cái viết” của Lưu Công Nhân, gồm nhật ký, thư gửi bạn hữu, bài báo, ghi chép rời, sổ ghi chép và thư không gửi.

Chương ba: “Vẽ Lưu Công Nhân” gồm ba phần: Vẽ một người tài, Vẽ một người trọng tình, Vẽ một người mơ. Chương này bao gồm trích đoạn từ những gì người khác viết về ông, qua đó hé mở những chiều kích khác về một Lưu Công Nhân mà nhiều thế hệ công chúng tưởng như đã quen, đã biết.

Anh Lưu Anh Tuấn, con trai họa sỹ Lưu Công Nhân bày tỏ sự cảm động trước tâm huyết của nhà báo Đào Mai Trang đối với công trình nghiên cứu này. Anh cho hay cuốn sách được cô đọng từ hàng chục kilogram tranh vẽ, ghi chép, thư từ cá nhân, chứa đựng những tâm sự riêng tư của ông với chính ông, những điều mà ông không thể nói cùng ai đó.

“Chúng tôi hy vọng rằng biên khảo sẽ là một cuốn sách nên có trong tủ sách của tất cả những ai yêu mến mỹ thuật Việt Nam nói chung, hội họa của Lưu Công Nhân nói riêng. Bố tôi là họa sỹ và là nhân chứng của một giai đoạn lịch sử văn hóa quan trọng trong thế kỷ 20 đầy bom đạn chiến tranh và biến động về nhận thức xã hội ở Việt Nam,” anh Lưu Anh Tuấn chia sẻ.

Ra mắt các ghi chép chưa từng công bố của họa sĩ tài ba Lưu Công Nhân ảnh 3Nhà báo Đào Mai Trang bên bức tranh của họa sỹ Lưu Công Nhân vẽ trên nắp hộp máy đánh chữ. (Ảnh: NVCC)

Theo nhà báo Đào Mai Trang, đóng góp cho hội họa Việt Nam của Lưu Công Nhân được ghi nhận ở hai khía cạnh. Thứ nhất, ông đã xây dựng một thế giới thẩm mỹ riêng khởi nguồn từ hình ảnh người phụ nữ nông thôn miền Bắc Việt Nam, tảo tần, giản dị và thuần hậu.

Thứ hai, tinh thần tiến bộ của ông trong hoạt động nghề nghiệp được thể hiện không chỉ qua những thể nghiệm liên tục, trong đó có cả sai lầm mà ông công khai thừa nhận, mà còn ở trách nhiệm của ông với sự sáng tạo cá nhân và đóng góp xã hội của một nghệ sỹ.

Cuốn sách này có rất nhiều chi tiết minh chứng cho hai khía cạnh đó, giúp khắc họa rõ nét hơn chân dung họa sỹ tên tuổi của mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

“Lưu Công Nhân viết nhiều, có lẽ không kém việc vẽ. Bên cạnh đó, việc đọc sách được ông hết sức coi trọng. Những trang viết của ông khiến chúng ta thấy thêm sự lấp lánh trong tư duy thẩm mỹ của một người sáng tạo,” nhà báo Đào Mai Trang chia sẻ./.

Nhà báo Đào Mai Trang hiện đang công tác tại Báo Nhân Dân. Trước đây, chị có nhiều năm làm biên tập viên chuyên mục Mỹ thuật-Kiến trúc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Một số sách và tiểu luận của chị đã được xuất bản: “12 nghệ sỹ mỹ thuật đương đại Việt Nam” (chủ biên, song ngữ Việt-Anh, 2010), “Nghệ thuật và tài năng: Một cận cảnh về thế hệ nghệ sỹ 8X của mỹ thuật Việt Nam (2014), “Họa sỹ khóa Kháng chiến 1950-1954 (2017), “Song hành với nghệ thuật” (2020); “A journey through Vietnamese art Vol 1” (Một chuyến du ngoạn cùng nghệ thuật Việt Nam, đồng tác giả tập 1, 2018-2019).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục