Ngày 16/2, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã ra mắt Ban chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 5397/QĐ-BYT ngày 18/12/2015.
Theo đó, Ban chỉ đạo gồm 28 thành viên do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm Trưởng ban, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên và Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn làm Phó trưởng Ban.
Ban chỉ đạo có Tổ thư ký giúp việc với 17 thành viên. Thường trực Ban chỉ đạo đặt tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình giai đoạn 2016-2020; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt, chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm thực hiện kế hoạch.
Tại buổi ra mắt, các thành viên đã thảo luận về Dự thảo kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trước khi có kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình, các thành viên trong Ban chỉ đạo, các Vụ, Cục liên quan phải làm rõ mô hình, chức năng nhiệm vụ của Phòng khám bác sỹ gia đình; cơ chế tài chính, thanh toán bảo hiểm y tế; chuyển tuyến; quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị của Phòng khám Bác sỹ gia đình; công tác đào tạo về bác sỹ gia đình và truyền thông về tính ưu việt của phòng khám bác sỹ gia đình…
Trước đó, ngày 22/3/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Quyết định số 935/2013/QĐ-BYT phê duyệt Đề án: “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020.”
Mục tiêu của Đề án là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện.
Các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang Cần Thơ đã kiện toàn, thành lập được 255 phòng khám bác sỹ gia đình.
Ngoài hoạt động khám, chữa bệnh tại phòng khám, các phòng khám bác sỹ gia đình thực hiện quản lý sức khỏe, thực hiện công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tham gia truyền thông phòng bệnh, vận động tiêm chủng…
Đây là những kết quả đáng ghi nhận, đánh giá sự khởi đầu đúng hướng, phù hợp nhu cầu xã hội, góp phần giảm quá tải bệnh viện, giải quyết bức xúc của xã hội.
Để tiếp tục tăng cường y tế cơ sở, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, mô hình bác sỹ gia đình rất cần thiết được nhân rộng./.