Ngay từ những trang đầu trong tác phẩm “Ra đời,” giọng văn điềm đạm nhưng không kém phần gai góc của Aleksei Varlamov đã kéo người đọc vào một hố sâu tăm tối với những cay đắng, vấp ngã, sợ hãi và bế tắc.
“Cơn giận dịu xuống và anh thấy rất buồn. ‘Trời ơi, tại sao chúng ta lại oán ghét nhau đến thế? Một người có thể căm thù người khác đến độ nào? Và vì cái gì?’ Anh nhớ lại đêm tháng Mười ấy, khi anh vào thành phố và gặp những người khác nhau, cũng đầy sự thù ghét ấy, và anh nghĩ, căm thù cũng lây lan. Nó truyền từ người này sang người khác và dường như đã lây cả vào những nơi tưởng như cách xa khỏi những phân tranh ấy, như nhà hộ sinh - nơi lẽ ra phải đầy thương yêu.”
Sự xuất hiện trên thế gian của những sinh linh bé nhỏ luôn mang lại niềm hạnh phúc cho các gia đình.
Thế nhưng, sự ra đời của nhân vật chính trong tác phẩm của Aleksei Varlamov không chỉ khuấy đảo, làm xáo trộn cuộc sống thường nhật của một gia đình từ lâu đã lụi tàn xúc cảm, mà còn soi chiếu vào tận tâm can những phận người đang vùng vẫy trong tuyệt vọng.
[Cuốn sách “Ông tướng của tôi” - món quà nhân văn từ nước Nga]
Cuộc đời mỗi nhân vật trong “Ra đời” là một câu chuyện sống động, ám ảnh về sự tha hóa đến trần trụi của con người. Với đứa trẻ mới hoài thai trong bụng mẹ, thế giới đã đầy thù địch. Đường đời của đứa trẻ ấy luôn bị bủa vây bởi những bất hạnh.
Những cặp vợ-chồng, cha-mẹ trong đó chỉ mải chìm đắm trong thế giới riêng, vật lộn với sự bình yên giả tạo, sống trong sự lạnh nhạt của những người xung quanh… Đó là khi tình yêu đã nhường chỗ cho sự thờ ơ, cam chịu.
Chắc chắn, không ít độc giả sẽ giật mình khi soi chiếu, nhận ra hình ảnh, những khía cạnh trong cuộc sống của chính mình trong những câu chuyện ở “Ra đời.”
Phần đầu, “Ra đời” bị bao phủ bởi sự tuyệt vọng, bí bách. Bởi thế, ít nhiều, nó gieo vào lòng người đọc cảm giác nặng nề, u ám.
Thế nhưng, càng về cuối truyện, lời giải cho câu hỏi tại sao ‘Ra đời’ được coi là một trong những tác phẩm nhân văn nhất của văn học Nga hiện đại càng lộ rõ.
Aleksei Varlamov đã thành công khi gieo vào lòng người đọc những hoài nghi, sợ hãi về một xã hội lạnh lẽo với những con người sống thờ ơ với mọi thứ (kể cả với chính bản thân mình). Đó không phải là sự buông bỏ một cách vô cách nhiệm mà là sự chai lì, cạn khô cảm xúc trong tâm hồn mỗi con người.
Thế nhưng, sau tất cả, chính tác giả đã trao gửi một thông điệp đầy bao dung, thấm đẫm giá trị nhân văn trong tác phẩm của mình khi ông viết:
“Anh nghĩ, anh không đơn giản cần một đứa bé, không đơn giản cần một đứa con trai để nối dõi hay để thỏa mãn sự háo thắng của mình. Anh cần chính đứa trẻ này, đứa bé mà anh đã yêu thương một tháng rưỡi qua, và dù cho việc gì xảy ra với bé, dù chuyện gì sẽ đợi bé trong tương lai, đau ốm hay khỏe mạnh, thì đó là con trai anh và anh sẽ không yêu thương ai như đang yêu thương chính nó.”
Đây cũng chính là một trong những lý do quan trọng để “Ra đời” của Aleksei Varlamov có được sức sống lâu bền trong lòng độc giả.
Aleksei Varlamov không chỉ là một nhà văn. Ông còn là một nhà nghiên cứu lịch sử Nga thế kỷ 20. Những sáng tác của ông luôn thấm đẫm suy tư. Chúng không cuốn hút người đọc bằng những tình tiết “giật gân,” gay cấn hay lối hành văn bóng bẩy. Trái lại, cách viết của Aleksei Varlamov thường khá gai góc.
Những tác phẩm của ông giữ chân người đọc bởi những câu chuyện đời sống gần gũi. Aleksei Varlamov đã thể hiện được thế giới nội tâm nhiều chiều của con người khi va đập với thế giới xung quanh.
Nhắc đến Aleksei Varlamov, độc giả sẽ khó quên truyện ngắn “Những con gián” (1987) hay tiểu thuyết “Ngôi nhà ở Ostozhie” (1990). “Ra đời” chính thức trình làng năm 1995. Năm 2014, tiểu thuyết “Sói suy tư” của ông đã được các nhà phê bình nhận định là “một nỗ lực cá nhân khi nhìn về Thế kỷ Bạc.”
Bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Ra đời” do dịch giả Phan Xuân Loan chuyển ngữ, Nhà xuất bản Phụ Nữ phát hành./.