Quyết tâm sửa đổi hiến pháp của ông Abe có thể gây tranh luận gay gắt

Cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề ông Abe quyết tâm sửa đổi Hiến pháp hòa bình sẽ diễn ra trong suốt chiến dịch tranh cử và thậm chí là trong nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp được kỳ vọng của ông.
Quyết tâm sửa đổi hiến pháp của ông Abe có thể gây tranh luận gay gắt ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tân Hoa xã đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố ra ứng cử trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Dân chủ Tự Do (LDP) cầm quyền được tổ chức vào tháng Chín tới.

Các chuyên gia cho biết nhận được sự ủng hộ của 5 trong số 7 phe phái nội bộ của đảng, ông Abe dường như nắm chắc trong tay chiến thắng ở cuộc bầu cử này và sẽ trở thành thủ tướng cầm quyền lâu nhất của Nhật Bản thời hậu chiến tranh.

Trong khi đó, cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề ông Abe quyết tâm sửa đổi Hiến pháp hòa bình sẽ diễn ra trong suốt chiến dịch tranh cử và thậm chí là trong nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp được kỳ vọng của ông.

Theo các chuyên gia, việc này có thể gây ra những hỗn loạn chính trị và sự chia rẽ trong dân chúng.

Đường tới vinh quang

Hôm 28/8, phát biểu trước báo giới ở Tarumizu thuộc tỉnh Kagoshima, phía Tây Nam Nhật Bản, ông Abe tuyên bố: “Tôi quyết tâm nắm giữ vị trí lãnh đạo Nhật Bản thêm 3 năm nữa với tư cách là Chủ tịch LDP và Thủ tướng Nhật Bản."

Cuộc bầu cử lãnh đạo LDP, được tổ chức vào ngày 20/9, có thể sẽ là một cuộc đua “song mã” giữa ông Abe và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba - người từng tuyên bố ứng cử hôm 10/8.

Hiện nay, 5 trong số 7 phe phái nội bộ, bao gồm khoảng 70% nhà lập pháp của đảng, đã bày tỏ sự sẵn sàng ủng hộ Abe.

Một cuộc khảo sát của Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo công bố hôm 26/8 cho thấy 36,3% số người được hỏi ủng hộ ông Abe trở thành lãnh đạo đảng cầm quyền, trong khi chỉ có 31,3% ủng hộ ông Ishiba. Số còn lại cho biết họ chưa có quyết định cuối cùng.

Kể từ khi LDP chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2012 giúp ông giành lại chức Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe đã không có đối thủ và tái đắc cử nhiệm kỳ 3 năm liên tiếp lần thứ hai của mình vào năm 2015.

Các chuyên gia cho rằng so với Ishiba, ông Abe - với tư cách chủ tịch LDP - sẽ được hưởng những lợi thế nhất định trong việc thu hút sự ủng hộ từ các thành viên của đảng trong cuộc bầu cử lần này.

Ukeru Magosaki, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho biết theo hệ thống bầu cử hiện tại, nếu một nhà lập pháp muốn tái đắc cử trong cuộc bầu cử địa phương, người này phải nhận được sự ủng hộ từ đảng của mình, nếu không nhà lập pháp đó sẽ không thể tranh cử như một ứng cử viên của đảng và do vậy, sẽ phải đứng ở một vị trí bất lợi.

Quyết tâm sửa đổi hiến pháp của ông Abe có thể gây tranh luận gay gắt ảnh 2Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) phát biểu tại một phiên họp Quốc hội ở thủ đô Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Magosaki nói: “Do hệ thống bầu cử này mà các nhà lập pháp phải chọn ủng hộ lãnh đạo đảng của mình. Ngay cả những người đã an toàn với vai trò một nhà lập pháp, họ vẫn muốn nhận được những chức vụ quan trọng trong Nội các và do đó, họ cần ủng hộ thủ tướng."

Nhà phân tích chính trị Tase Yasuhiro cũng có chung quan điểm này. Ông cho rằng các nhà lập pháp ủng hộ Abe vì lợi ích riêng của họ chứ không phải vì sự tôn trọng dành cho thủ tướng. Bởi sau khi diễn ra cuộc bầu cử của đảng, thủ tướng sẽ thực hiện một cuộc cải tổ nội các, và một số nhà lập pháp mong muốn sẽ có được một vị trí tốt trong nội các mới.

Kazuya Iwamura, bình luận viên của Kyodo, cho rằng không có một ứng cử viên nào đủ mạnh để thay thế ông Abe trong LDP, còn các ứng cử viên tiềm năng từ các thế hệ trẻ tuổi thì khó có khả năng chiến thắng.

Những vụ bê bối năm ngoái đã làm tổn hại đến tỷ lệ ủng hộ của ông Abe, song các đảng đối lập vẫn chưa thể đoàn kết và tạo ra một mối đe dọa thực sự cho chính quyền Abe.

Sự nhiễu loạn chính trị tiếp diễn

Dù vậy, các nhà phân tích nhận định rằng bất chấp ưu thế của Abe, những hỗn loạn vẫn có thể được hình thành trong nội bộ đảng từ một số sự kiện lớn sẽ diễn ra trong năm tới, bao gồm các cuộc bầu cử địa phương và bầu cử Hạ viện, đặc biệt là việc sửa đổi Hiến pháp.

Nhà phân tích Yasuhiro nói rằng theo các quy tắc của LDP hiện tại, ông Abe sẽ không thể tranh cử nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp, và do đó, ông sẽ trở thành một “con vịt què” trong nhiệm kỳ tiếp theo của mình, với sự ủng hộ trong đảng sẽ giảm sút nhanh chóng.

[Nhật Bản dự kiến tăng ngân sách tài khóa 2019 lên 918 tỷ USD]

Yasuhiro nói thêm rằng những thành tựu trong chính sách kinh tế của Abe cho tới nay, được gọi là “Abenomics,” phần lớn là một sự phô trương được thực hiện dựa trên sức mạnh, và một sự phô trương như vậy sẽ không thể tiếp tục khi sức mạnh của ông Abe bị kìm hãm trong bối cảnh hỗn loạn chính trị.

Trong khi đó, Magosaki cho rằng cuộc bầu cử Thượng viện vào năm tới sẽ vô cùng quan trọng đối với các đảng đối lập, và nếu các phe phái đối lập có thể đoàn kết, họ có khả năng lật đổ thế đa số 2/3 của đảng cầm quyền trong Thượng viện.

Mặt khác, Magosaki hoài nghi rằng “liệu các lực lượng đối lập có thể thực sự đoàn kết và chiến đấu hay không là điều chúng ta vẫn cần phải chờ."

Sửa đổi Hiến pháp - nhiệm vụ khó khăn

Ông Abe cho biết hồi đầu tháng Tám rằng LDP sẽ đệ trình một dự luật sửa đổi Hiến pháp trong kỳ họp Quốc hội đặc biệt vào mùa Thu này. Sửa đổi Hiến pháp, vốn là một tham vọng "trường kỳ" của Abe, dự kiến sẽ được đưa ra bàn luận trong suốt giai đoạn vận động tranh cử trong cuộc bầu cử LDP và thậm chí cả trong nhiệm kỳ thứ 3 được kỳ vọng của ông Abe.

Ông Abe và đối thủ Ishiba có quan điểm khác nhau trong vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Còn về phía dân chúng, cuộc khảo sát của Kyodo cho thấy 49% người dân được hỏi phản đối ý định của Abe nhằm đệ trình một bản dự thảo sửa đổi hiến pháp, trong khi đó, 36,7% số người được hỏi ủng hộ vấn đề này.

Magosaki nói rằng chính quyền Abe vẫn đang phải vật lộn với tỷ lệ ủng hộ tương đối thấp sau các vụ bê bối, cùng với các cuộc bầu cử địa phương, quyết định thoái vị của Nhật Hoàng và cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới, rất khó để thủ tướng có thể thuyết phục thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp giữa làn sóng phản đối mãnh mẽ từ công chúng.

Theo nhà phân tích Yasuhiro, ngay cả khi đảng cầm quyền có thể gây áp lực buộc Quốc hội thông qua dự luật, việc này vẫn sẽ vô cùng khó khăn bởi vẫn cần một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc để bắt đầu thủ tục thay đổi Hiến pháp một cách hợp pháp.

Yasuhiro nói: "Khi các cuộc thảo luận và tranh chấp ngày một sâu sắc thêm xung quanh vấn đề gai góc này, các đảng đối lập có thể có cơ hội đoàn kết lại và giành được sự ủng hộ của công chúng, và do đó tạo ra một tình huống có thể kìm hãm Abe sau cuộc bầu cử Thượng viện vào năm tới"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục