Quyết tâm không để nợ đọng văn bản của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021

Thời gian này là giai đoạn cuối nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ, công việc đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật.
Quyết tâm không để nợ đọng văn bản của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021 ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 26/2, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, chủ trì cuộc họp với các bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật và sẽ có hiệu lực pháp luật trong thời gian tới; tình hình xây dựng, trình ban hành các đề án trong Chương trình công tác quý 1/2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tham dự cuộc họp có đại diện các bộ gồm Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Công an; Xây dựng; Tài chính; Tư pháp; Nội vụ; Thông tin và Truyền thông.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh thời gian này là giai đoạn cuối nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ, công việc đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật.

Theo thống kê, hiện vẫn còn 17 văn bản hướng dẫn luật chi tiết có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa được ban hành. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công an nợ một văn bản, Bộ Tài chính nợ hai văn bản; Bộ Nội vụ nợ năm văn bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo nợ một văn bản; Bộ Xây dựng nợ một văn bản; Bộ Kế hoạch và Đầu tư nợ bốn văn bản; Bộ Tài nguyên và Môi trường nợ hai văn bản; Bộ Thông tin và Truyền thông nợ hai văn bản.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay. Trong đó, năm 2017 là năm đầu tiên không nợ văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền Chính phủ. Đến ngày 30/12/2020 chỉ còn sáu văn bản hướng dẫn luật chi tiết bị nợ đọng; giảm mạnh so với số lượng văn bản nợ đọng ở cuối nhiệm kỳ khóa XII (58 văn bản) và nhiệm kỳ khóa XIII (39 văn bản).

["Không để nợ văn bản, đề án sang Chính phủ khóa mới"]

Tổ công tác yêu cầu các bộ, cơ quan phải tập trung xử lý dứt điểm, không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết trước khi diễn ra kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV để không làm ảnh hưởng đến kết quả, sự cố gắng, nỗ lực của cả nhiệm kỳ Chính phủ.

Đại diện Bộ Công an cho biết hiện đơn vị còn nợ một văn bản hướng dẫn chi tiết Nghị định quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy. Dự thảo văn bản đã được trình, xin ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình sau cuộc trao đổi với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nội vụ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cơ quan này đang gấp rút hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chi tiết luật, đự kiến sẽ gửi lên Chính phủ trước ngày 3/3/3021.

Quyết tâm không để nợ đọng văn bản của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021 ảnh 2Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại cuộc họp với Tổ công tác, các bộ đã trình bày tiến độ thực hiện việc hoàn thiện nội dung soạn thảo các văn bản còn thiếu. Hầu hết các cơ quan cho biết, họ đã gửi Chính phủ để xin ý kiến các thành viên Chính phủ và trình Thủ tướng trước ngày 20/3/2021.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn luật chi tiết, quyết tâm không để nợ đọng văn bản của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021.

Để thực hiện tốt mục tiêu này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo các nghị định phải chủ động, phối hợp với Văn phòng Chính phủ đôn đốc lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ và các bộ liên quan để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là hạn chế tối đa các văn bản quá hạn của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2021, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các bộ, cơ quan ban hành các văn bản còn nợ trước ngày 20/3. Các bộ, cơ quan cần quyết tâm, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn.

"Chúng ta không còn nhiều thời gian nên các bộ phải quyết tâm, tập trung hoàn thành mục tiêu, không để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, ảnh hưởng đến thành tích chung của Chính phủ," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Về chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo Vụ Tổng hợp (Văn phòng Chính phủ), trong quý 1/2021 có 89 đề án phải trình, trong đó có 21 đề án được giao trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Đến ngày 25/2, các bộ, cơ quan đã trình 21 đề án, còn 68 đề án chưa trình, trong đó có 57 đề án trong hạn và 11 đề án nợ đọng, chiếm 12,3%. Đây là các đề án nợ đọng của năm 2020 và được chuyển sang tháng 1/2021, không có đề án nợ đọng được giao tại Nghị quyết 01.

Trong số tám bộ dự cuộc họp ngày 26/2 có sáu đề án nợ đọng, chiếm 54,5% tổng số đề án nợ đọng, thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo chương trình công tác tháng Hai và tháng 3/2021, các bộ, cơ quan phải trình 57 đề án. Trong đó, tám bộ tham dự buổi làm việc có 26 đề án, chiếm 45,6%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục