Quyết sách về lãi suất của Fed đẩy các thị trường đi xuống phiên 21/9

Giá vàng, giá dầu và chứng khoán châu Á tiếp tục giảm trong phiên giao dịch chiều 21/9 khi đồng USD và lãi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt sau khi Fed củng cố quan điểm "diều hâu" về lãi suất.
Trang sức vàng được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Khartoum, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) củng cố quan điểm tăng lãi suất khiến các thị trường vàng, dầu mỏ và chứng khoán châu Á đều sụt giảm trong phiên chiều 21/9.

Giá vàng, giá dầu châu Á tiếp tục giảm

Giá vàng châu Á tiếp tục giảm trong phiên giao dịch chiều 21/9 khi đồng USD và lãi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt sau khi Fed củng cố quan điểm "diều hâu" về lãi suất.

Giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.922,30 USD/ounce vào lúc 16 giờ 07 phút (giờ Việt Nam), sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 1/9. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 1,2% xuống 1.942,90 USD/ounce.

Đồng USD đã vượt mức cao nhất trong 6 tháng, trong khi trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đạt mức cao nhất trong 18 năm, gây áp lực lên giá vàng - được định giá bằng đồng bạc xanh vốn không sinh lợi.

Han Tan, nhà phân tích thị trường hàng đầu của Exinity, cho biết, các nhà giao dịch vàng đã chú ý đến thông điệp tăng lãi suất trong thời gian lâu dài của Fed... buộc những nhà đầu tư phải kiềm chế sự nhiệt tình mua vàng.

Tại Việt Nam, ngày 21/9, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,35 - 69,07 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

[Fed bắt đầu cuộc họp với khả năng cao sẽ giữ nguyên lãi suất]

Giá dầu châu Á giảm trong phiên giao dịch chiều 21/9 sau khi ghi nhận mức giảm lớn nhất trong một tháng trong phiên trước đó, do kỳ vọng tăng lãi suất của Mỹ lấn át tác động của thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ giảm.

Giá dầu Brent giao tháng 11/2023 giảm 71 xu Mỹ (0,76%) xuống 92,82 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 70 xu Mỹ (0,78%) xuống 88,96 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 14/9.

Các nhà phân tích của ING cho biết, Fed đã giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) ngày 20/9 như dự đoán. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là một sự tạm dừng mang tính "diều hâu", gây áp lực lên các tài sản rủi ro như dầu mỏ.

Tăng lãi suất có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu nói chung. Lập trường "diều hâu" cũng khiến đồng USD lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2023, gây áp lực giảm giá dầu. Đồng USD mạnh thường làm cho các mặt hàng như dầu mỏ trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng các đồng tiền khác.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn kỳ vọng giá dầu sẽ vẫn được hỗ trợ trong thời gian tới.

Chứng khoán châu Á đi xuống

Thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch chiều 21/9 và đồng USD tăng sau khi Fed cho biết có thể tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay và giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn với nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Chốt phiên 21/9, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 1,4% xuống 32.571,03 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,3% xuống 17.655,41 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,8% xuống 3.084,70 điểm.

Thị trường chứng khoán Sydney, Seoul, Mumbai, Jakarta, Singapore và Đài Bắc cũng đều giảm điểm.

(Ảnh: AP/TTXVN)

Chủ tịch Fed,Jerome Powell cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa nếu phù hợp và chúng tôi dự định giữ chính sách ở mức hạn chế cho đến khi thấy rằng lạm phát đang tiến triển bền vững theo hướng mục tiêu."

Còn các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế số một thế giới vẫn còn yếu và thị trường lao động có ít dấu hiệu dịu lại, các quan chức Fed tỏ ra tự tin rằng họ có đủ lý do để thắt chặt chính sách hơn nữa mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch 21/9, Chỉ số VN-Index giảm 134,37 điểm xuống 1.212,74 điểm. HNX-Index giảm 2,95 điểm xuống 251,87 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục