Như bài 1 “Khi nghị quyết “đi trước, mở đường”” phân tích sâu về vai trò, ý nghĩa của Nghị quyết 30 trong phòng, chống dịch dịch COVID, bài 2 sẽ nhấn mạnh đến những thay đổi chưa có trong tiền lệ lịch sử Quốc hội là các kỳ họp bất thường, đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.
Bài 2: Những quyết sách đặc biệt từ những kỳ họp bất thường
Chỉ trong vòng hơn 1 năm qua, Quốc hội khóa XV đã tổ chức tới 4 kỳ họp bất thường – điều chưa từng có trong tiền lệ lịch sử Quốc hội, khi mà trước đây, “đến hẹn lại lên” mỗi năm Quốc hội chỉ họp 2 kỳ vào giữa và cuối năm.
Trước những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, với tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội đã chủ động “xắn tay” vào việc.
Đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn
Ngay khi có đề nghị từ Chính phủ, ngày 4/1/2022, Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì ngay kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử Quốc hội để cho ý kiến vào một số nội dung đặc biệt quan trọng, cấp bách liên quan tới quốc kế dân sinh mà trọng tâm là Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Phát biểu khai mạc kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2021 và nhất là quý 3/2021, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta đã lây lan nhanh, mạnh, diễn biến phức tạp tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc, tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.
Nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tình hình kinh tế-xã hội những tháng cuối năm đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường cả ở trong nước và trên thế giới… Tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới và tác động, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội không chỉ trong năm 2022 mà còn đối với cả nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025.
Trước yêu cầu cấp thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, có tính chất cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính và ngân sách, để đối phó với dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh và phúc lợi xã hội.
Điểm nhấn chính trong kỳ họp này là Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 8% GDP để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%-lập kỷ lục trong hơn 10 năm qua (2011-2022), bất chấp sự đảo chiều của kinh tế thế giới.
Việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất đã đem lại bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội, nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.
Một năm sau đó, ngày 5/1/2023, Kỳ họp bất thường thứ hai đã diễn ra. Bên cạnh nội dung trọng yếu là công tác nhân sự, một nội dung khác không kém phần quan trọng liên quan đến cơ chế, chính sách cần có sự gỡ vướng của Quốc hội, đó là thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), cho phép tiếp tục sử dụng giấy phép đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, nhằm bảo đảm nguồn cung thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Một lần nữa, Quốc hội lại thể hiện sự đổi mới, thích ứng kịp thời, chuyên nghiệp của một cơ quan dân cử, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bảo đảm quyền, lợi ích của người dân
Đặt lên bàn nghị sự những vấn đề cấp bách, Kỳ họp bất thường lần thứ hai tiếp tục cho thấy sự tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của Quốc hội đối với sự phát triển đất nước, hướng đến mục tiêu cao nhất là lợi ích của cử tri và nhân dân.
“Việc Quốc hội xem xét, quyết định 5 vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai sẽ góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo,” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Đúng như vậy.
Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội đã trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương những quyền hạn đặc thù, đặc biệt, đặc cách để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Các chính sách tại Nghị quyết đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
[Chăm sóc sức khỏe nhân dân toàn diện, không chỉ dừng ở khám, chữa bệnh]
Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp theo quy định tại Nghị quyết số 30, góp phần kiểm soát thành công tình hình dịch COVID-19 và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời, đúng đắn tại những thời điểm quyết định.
Nghị quyết đã hoàn thành sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát, phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, và đã chính thức hết hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2022.
Dẫu vậy, nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết đặc biệt này, vẫn còn những chính sách chưa được thực hiện rốt ráo khi thời gian hết hiệu lực đã cận kề.
Trước dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ đề nghị Quốc hội chuyển tiếp thực hiện đối với một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn, để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân. Và Quốc hội lại một lần nữa “ra tay” tháo gỡ.
Đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), việc Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, đã tháo gỡ các nút thắt của ngành y tế hiện nay, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện tự chủ tài chính và nhân sự, xã hội hóa bệnh viện, cho phép thanh toán chi phí chữa bệnh từ máy móc xã hội hóa; được mượn/thuê/cho thuê trang thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh, cho phép mua chậm/trả chậm trang thiết bị.
Từ sự gỡ vướng của Quốc hội, khi Luật chưa có hiệu lực, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị định số 07/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP, bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, giúp các cơ sở y tế nhanh chóng có được vật tư, thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đào Xuân Cơ-Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết Nghị quyết 30/NQ-CP và Nghị định 07/2023/NĐ-CP đã tháo gỡ những vướng mắc mà các bệnh viện đang đối mặt.
Chính phủ cho phép thí điểm máy đặt, máy mượn khi nhà thầu trúng thầu hóa chất, vật tư y tế được bảo hiểm y tế thanh toán, đồng ý các gói thầu báo giá dưới 3 nhà cung cấp... là những giải pháp tháo gỡ kịp thời, cơ bản những khó khăn, vướng mắc về thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện trong tình trạng cấp bách hiện nay.
Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ cũng tháo gỡ nút thắt lớn của bệnh viện tuyến cuối này, khi các thông tư về liên doanh, liên kết đã bãi bỏ, các loại máy móc được cho, tặng hay máy liên doanh, liên kết đã hết hợp đồng, được cho phép đi vào hoạt động để đảm bảo phục vụ công tác khám chữa bệnh; chưa cần xác lập sở hữu toàn dân nhưng được bảo hiểm y tế thanh toán những kỹ thuật này.
Tương tự, nhờ Nghị quyết 30/NQ-CP này, một số trang thiết bị như máy siêu âm X-quang, máy MRI bị hỏng một số linh kiện “đắp chiếu” gần 1 năm qua của Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) được sửa chữa trong thời gian sớm nhất có thể.
Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Thành phố Hồ Chí Minh), theo bác sỹ chuyên khoa II Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện, Nghị quyết đã giúp bệnh viện tiếp tục được kéo dài thời gian và thí điểm máy đặt, máy mượn khi cơ sở y tế trúng thầu hóa chất, vật tư để phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh./.
Bài 3: Thành quả đáng tự hào sau những nỗ lực không ngừng nghỉ