"Quyết liệt xây Phú Quốc sớm là đặc khu hành chính kinh tế"

Làm việc với Kiên Giang chiều 12/12, Bộ chính trị yêu cầu Kiên Giang quyết liệt hơn để xây dựng Phú Quốc sớm là đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt.
"Quyết liệt xây Phú Quốc sớm là đặc khu hành chính kinh tế" ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Thực hiện Chương trình công tác năm 2013, chiều 12/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX; Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và một số chủ trương phát triển tỉnh Kiên Giang đến năm 2020.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc.

Báo cáo với Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Sơn nêu rõ: Gần 3 năm qua, tỉnh tập trung đầu tư, khai thác, phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, thủy sản gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, từng bước đã thay đổi bộ mặt nông thôn và cải thiện, nâng cao một bước đời sống của nhân dân.

Tỉnh thực hiện các đột phá chiến lược, đạt được một số kết quả tích cực, tạo thuận lợi thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Kinh tế của tỉnh phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng khá cao (11,84%/năm) so với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, từ 25,8 triệu đồng năm 2010 lên 42,5 triệu đồng năm 2012, tăng 64,7%. Sản xuất lương thực tăng cao, năm 2012 đạt 4,3 triệu tấn. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt trên 540.000 tấn, nhiều năm đứng đầu cả nước.

Tỉnh huy động được nhiều nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông; quan tâm thực hiện khá tốt chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm từ 8,84% năm 2010 xuống còn 4,73% năm 2013. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.

Bên cạnh đó, Kiên Giang có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức cán bộ, xây dựng đội ngũ theo hướng bài bản, dân chủ, mạnh mẽ. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được nâng lên.

Định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2020 là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trọng sạch, vững mạnh. Tỉnh huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, khai thác hợp lý, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, phát triển nhanh và bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia.

Kiên Giang tập trung xây dựng Phú Quốc từng bước trở thành Khu hành chính-kinh tế đặc biệt, là trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2015, kinh tế-xã hội của tỉnh đạt mức khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trung bình khá trong cả nước, năm 2020 đạt mức khá trong cả nước.

Tại buổi làm việc, tập thể Bộ Chính trị, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Kiên Giang đạt được trong gần 3 năm qua; về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới; các kiến nghị, đề xuất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang về cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững hơn.

Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Kiên Giang có vị trí hết sức quan trọng cả về kinh tế, quốc phòng an ninh ở khu vực Tây Nam của Tổ quốc, trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, thủy sản, du lịch, công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng, kinh tế biên mậu. Đặc biệt, tỉnh có huyện đảo Phú Quốc với nhiều tiềm năng to lớn để phát triển thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế.

Bộ Chính trị ghi nhận, biểu dương những kết quả, thành tích Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiên Giang đã đạt được trong thời gian vừa qua, đồng thời đề nghị tỉnh sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; huy động và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững hơn.

Về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Bộ Chính trị nhất trí, bên cạnh những khó khăn thách thức, Kiên Giang cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh để phát triển.

Sắp tới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Kiên Giang cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, làm sao động viên toàn lực, tranh thủ sự giúp đỡ của các ngành, các cấp để phát triển bứt phá mạnh hơn nữa. Muốn thế, tỉnh cần rà soát lại toàn bộ phương hướng nhiệm vụ, quy hoạch tổng thể, từ thực tế tìm ra khâu đột phá, với Kiên Giang đó là Phú Quốc, giao thông, nông sản, thủy sản...

Theo Bộ Chính trị, với Kiên Giang, trọng điểm phát triển kinh tế vẫn là nông nghiệp, trong nông nghiệp vẫn là lương thực, lúa gạo, thủy sản xuất khẩu... gắn với xây dựng nông thôn mới. Trước hết, Kiên Giang cần tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại ngành nghề, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hiện đại, quy mô lớn, chất lượng, giá trị cao và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Kiên Giang cần tập trung đầu tư phát triển giao thông, nhất là những tuyến đường huyết mạch, xung yếu; chủ động, quyết liệt hơn để xây dựng Phú Quốc sớm trở thành đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt.

Về quốc phòng an ninh, là tỉnh ven biển, có bờ biển dài, Kiên Giang cần chủ động nắm tình hình, đề xuất giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Bộ Chính trị yêu cầu Kiên Giang tập trung làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát triển nguồn nhân lực nhất là đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; tiếp tục kiên trì, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Về các kiến nghị của Kiên Giang, Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương: Xây dựng quy hoạch vùng sản xuất lương thực trọng điểm quốc gia, đồng thời có chính sách hố trợ nông dân trong vùng sản xuất lương thực trọng điểm quốc gia; thành lập Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc và một số công trình, dự án cụ thể khác; giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan triển khai thực hiện, có tính toàn lộ trình, bước đi cụ thể, khả thi.

Bộ Chính trị nhất trí ban hành Kết luận về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ IX; Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và một số chủ trương phát triển tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, làm cơ sở để Kiên Giang tiếp tục phát triển nhanh và bền vững./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục