Quyết liệt cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành với DN nhà nước

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan quyết liệt cổ phần hóa và đẩy nhanh thoái vốn đầu tư ngoài ngành với doanh nghiệp nhà nước
Quyết liệt cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành với DN nhà nước ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Phát biểu kết luận Hội nghị của Chính phủ triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước tổ chức ngày 18/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chính phủ.

Do vậy, Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp phải thống nhất hành động với quyết tâm cao nhất để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, trong đó thực hiện có hiệu quả việc cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn do tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã đạt được những thành tựu trên các lĩnh vực.

Nổi bật là kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu, xuất khẩu tăng, dự trữ ngoại tệ quốc gia tăng cao nhất từ trước tới nay, duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo...

Những thành tựu đó có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp Nhà nước- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong những năm qua, doanh nghiệp Nhà nước đã thực sự là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhà nước cũng đã phát huy vai trò tích cực đi đầu trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và đưa công nghệ mới vào phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực dầu khí, viễn thông, giao thông, xây dựng, hóa chất...

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém mà doanh nghiệp Nhà nước cần sớm khắc phục trong thời gian tới, trong đó nổi lên là những kết quả mà doanh nghiệp Nhà nước đạt được còn chưa tương xứng với lợi thế, nguồn lực nắm giữ ; tái cơ cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm; k ết quả sắp xếp, cổ phần hóa chưa đáp ứng yêu cầu ; việc rút vốn, thoái vốn ngoài ngành chậm... Trên tinh thần này, Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ tái cơ cấu d oanh nghiệp Nhà nước là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chính phủ trong năm 2014-2015, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp phải thống nhất hành động với quyết tâm cao để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể trong cơ cấu tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước từ nay tới năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo đề án được duyệt mà trọng tâm là cổ phần hóa doanh nghiệp, tái cơ cấu là để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, làm tốt hơn vai trò của mình; đồng thời thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường và tập trung nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp.

Trong cổ phần hóa doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương phải làm quyết liệt, hiệu quả việc cổ phần hóa 432 doanh nghiệp theo kế hoạch trong 2 năm 2014-2015 đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các doanh nghiệp nhà nước cần phải cổ phần hóa theo hướng giảm mạnh hơn doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và giảm mạnh doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối.

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần có biện pháp quyết liệt và có bài bản, có lộ trình thực hiện rõ ràng; thực hiện nguyên tắc bán theo giá thị trường, nhất là đối với các khoản đầu tư không hiệu quả cần xây dựng phương án cụ thể, chặt chẽ, khả thi; phân loại rõ từng khoản vốn mà doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài ngành.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành tăng cường phối hợp nhằm xử lý kịp thời, dứt điểm các vướng mắc nảy sinh trong quá trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hàng tháng giao ban về lĩnh vực này để tháo gỡ ngay các vướng mắc cụ thể phát sinh trong quá trình thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các Bộ, ngành và địa phương cần phân định rõ nhiệm vụ công ích, nhiệm vụ chính trị và kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước ; nghiên cứu đề xuất mức lương hợp lý cũng như kiểm soát chặt chẽ việc tuyển chọn lao động trong doanh nghiệp nhà nước. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp .

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của các Bộ , các địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2013-2015; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước.

Đây là cơ sở pháp lý với các cơ chế, chính sách thuận lợi hơn nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới .

Cùng với cổ phần hóa , thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp từ sử dụng vốn, sản xuất kinh doanh, quản lý lao động và công tác cán bộ, gắn với công khai , minh bạch kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Ý kiến thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng sớm ban hành các quy định về quản lý, kiểm tra, giám sát tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật; giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; số lượng, bổ nhiệm, thi tuyển cán bộ quản lý chủ chốt; hoạt động của người địa diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp...

Các đại biểu cũng kiến nghị, các Bộ, ngành chức năng chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý những khó khăn, vướng mắc, với lộ trình phù hợp, chặt chẽ, khả thi để các bộ quản lý ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các phương án cổ phần hóa các Tổng công ty Nhà nước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục