Quyết định xếp hạng cấp quốc gia bảy di tích lịch sử, kiến trúc

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với bảy di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh.
Đền thờ Khúc Thừa Dụ (Hải Dương) được xếp hạng di tích quốc gia (Ảnh: vhttdlhd.vn)

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, cơ quan này đã có quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với bảy di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh tại các tỉnh: Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương.

Theo đó, bốn di tích lịch sử được xếp hạng bao gồm: Di tích lịch sử đình Hoàng Châu (Cát Hải, Hải Phòng - theo quyết định số 2084/QĐ-BVHTTDL); Di tích lịch sử đền Quan Đại (Quảng Yên, Quảng Ninh - theo quyết định số 2100/QĐ-BVHTTDL); Di tích lịch sử mộ và đền thờ nữ tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ (Chí Linh, Hải Dương - theo quyết định số 2102/QĐ-BVHTTDL) và Di tích lịch sử đền thờ Khúc Thừa Dụ (Ninh Giang, Hải Dương - theo quyết định 2103/QĐ-BVHTTDL).

Hai di tích kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng di tích quốc gia lần này là: Di tích kiến trúc nghệ thuật mộ và đền thờ Bùi Đăng Châu (Phù Cừ, Hưng Yên - theo quyết định số 2098/QĐ-BVHTTDL); Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phán Thủy (Kim Đồng, Hưng Yên - theo quyết định số 2099/QĐ-BVHTTDL).

Bên cạnh đó, Danh lam thắng cảnh núi Mằn (Hoành Bồ, Quảng Ninh) cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia theo quyết định số 2101/QĐ-BVHTTDL.

Đình Hoàng Châu là một trong ba công trình văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ còn được bảo tồn thuộc huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng.

Đình Hoàng Châu thờ ba vị Thành hoàng; trong đó có hai vị là võ tướng có nhiều công lao trấn giữ vùng biên ải và vùng biển phía Đông của đất nước ( Đô Nguyên Soái Tuyên Nghi Chi thần và Phó Nguyên Soái Duy Bùi chi thần). Đình còn thờ Mẫu Liễu Hạnh - một nhân vật huyền thoại đứng đầu các vị Thánh mẫu trong tín ngưỡng tâm linh thờ Mẫu của người Việt.

Đình Hoàng Châu còn bảo tồn được nhiều đồ thờ tự, tế khí và tư liệu có giá trị về lịch sử, mỹ thuật, văn hóa như: sắc phong, nhang án, kiệu bát cống...

Tại xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, Hải Dương, Đền thờ Khúc Thừa Dụ có tổng diện tích hơn 57.000m2, nằm giáp đê sông Luộc, mặt đền quay theo hướng Nam. Họa tiết trên các bức phù điêu trong đền được chạm khắc công phu, mô tả quang cảnh nhân dân tụ nghĩa theo Khúc Thừa Dụ giành quyền tự chủ, xây dựng cuộc sống thái bình.

Đây là một công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và du lịch to lớn, nhằm tôn vinh người anh hùng dân tộc có công đặt nền móng cho nền độc lập, tự chủ của nước ta sau 1.000 năm chịu ách thống trị của phong kiến phương Bắc; thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục