Quyết định hủy V-League 2021 và những vấn đề chưa có lời giải

Khi V-League 2021 hủy giữa chừng, câu lạc bộ nào vô địch, đội bóng nào đại diện Việt Nam dự AFC Champions League và đối tượng nào sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất?
V-League, hạng Nhất và cúp Quốc gia mùa giải 2021 đều bị hủy. (Ảnh: VPF)

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đưa ra quyết định hủy các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam mùa giải 2021 gồm V-League, giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia, dù cách đây không lâu đồng ý phương án hoãn giải tới đầu năm 2022.

Quyết định chóng vánh khiến bóng đá Việt Nam “rối như tơ vò” dù vốn đã lao đao vì đại dịch COVID-19. Nhiều câu hỏi được đặt ra cho những người đứng đầu VFF vừa thay đổi quyết định.

Hàng nghìn cầu thủ mất việc, hình ảnh giải đấu Việt Nam đi xuống   

Các câu lạc bộ cho rằng hủy giải giúp giảm bớt chi phí và tài chính nhưng điều đó không làm giảm đi gánh nặng của cầu thủ, đối tượng chịu thiệt lớn thứ hai sau ban tổ chức. Họ đang đối diện ít nhất 7 tháng mất việc khi mọi giải đấu đóng băng.

Nhiều cầu thủ đã phải chấp nhận 50-70% lương vì tình hình khó khăn chung. Hiện tại, họ được hưởng phần còn lại vì vẫn duy trì tập luyện, phục vụ cho câu lạc bộ chờ ngày giải đấu trở lại.

Nhưng khi mọi thứ ngừng hoạt động, họ có thể được “xả trại” về nhà và phải chịu giảm thêm tiền lương và đối mặt nguy cơ không có việc làm để tìm kiến nguồn thu nhập. 

Cầu thủ 'ngôi sao' không lo nhiều khi mất việc, nhưng những cầu thủ tầm trung sẽ lận đận nếu các giải đấu bị hủy. (Ảnh: VPF)

Bên cạnh đó, mùa giải hủy khiến họ mất đi cơ hội kiếm thêm tiền trong năm 2021 đầy bất trắc. Không còn giải đấu trước mắt, họ không dám vay mượn để duy trì cuộc sống bởi chưa biết bao giờ công việc mới quay trở lại.   

Bức tranh tài chính của cầu thủ Việt Nam thi đấu chuyên nghiệp vẫn còn thấp. Số cầu thủ được hưởng lương cao và mức thưởng, phí “lót tay” khủng không nhiều.

Trong khi đó, quyết định từ VFF đẩy đơn vị tổ chức (VPF) vào thế khó và có thể dẫn tới hệ lụy cho các giải bóng đá Việt Nam sau này.

Trong vai trò tổ chức, VPF thất bại hoàn toàn khi không thể giải đấu kết thúc trọn vẹn.

VPF đối mặt với việc phá vỡ hàng loạt hợp đồng tài trợ, phá hỏng giao kèo với đối tác nên phải bồi thường hàng chục tỷ đồng hoặc ít nhất để lại tiền lệ xấu cho những mùa giải sau. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam còn chưa chuyên nghiệp hóa hoàn toàn, không ai dễ dàng tìm được nhà tài trợ gắn bó lâu dài hoặc những đối tác chịu bỏ tiền.

VPF thất bại khi mùa giải 2021 bị hủy giữa chừng. 

Thiệt hại về tiền dễ nhìn thấy nhưng những mất mát lâu dài thì khó đong đếm. Xét trên phương diện khác, VPF sẽ mất đi “uy thế” cần thiết với các câu lạc bộ trong việc điều hành giải đấu sau này.

Tiềm lực tài chính của VPF giảm đi trông thấy kể từ mùa giải trước do dịch COVID-19. Nếu chịu thêm khoản lỗ khổng lồ ở mùa 2021, họ khó lòng duy trì những mùa giải sau một cách tốt nhất bởi “vết thương lâu lành.”  

Thậm chí, ngay cả khi đang phải chịu thiệt, VPF còn bị câu lạc bộ Hải Phòng yêu cầu đền tiền vì những gì phải bỏ ra để duy trì đội bóng kể từ khi có quyết định hoãn cho tới khi giải đấu bị hủy hoàn toàn.  

Hoàng Anh Gia Lai vô địch V-League 2021?

Câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất khi V-League 2021 bị hủy đó là “Đội bóng nào sẽ vô địch?”

Hoàng Anh Gia Lai đang dẫn đầu giải đấu sau 12 vòng và hơn 3 điểm so với Viettel xếp ngay sau. Nếu giải được diễn ra, các đội cạnh tranh chức vô địch phải trải qua 6 vòng đấu nữa. Quãng đường này đủ để cục diện thay đổi và không ai đảm bảo rằng đội bóng phố núi có thể giữ vững được vị trí.

Vì thế, nếu công nhận Hoàng Anh Gia Lai vô địch khi giải bị hủy có thể khiến nhiều đội khác không đồng tình trong khi người hâm mộ phản đối.

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định không quá quan tâm tới chức vô địch. Ngay cả khi đội nhà không được xưng vương, ông cũng không tiếc.

Hoàng Anh Gia Lai chấp nhận không vô địch V-League 2021. (Ảnh: Vietnam+) 

Tuy nhiên, dù hủy giải đấu, việc không có đội vô địch cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng.

VFF đã giao Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) họp với 27 câu lạc bộ chuyên nghiệp để giải quyết các vấn đề liên quan tới việc hủy giải đấu. Chắc chắn câu chuyện xem xét đội bóng nào vô địch V-League sẽ gây không ít tranh cãi.

Chủ tịch câu lạc bộ Hải Phòng, ông Trần Văn Hoàn từng đề nghị tổ chức trận đấu tranh chức vô địch giữa hai đội đang dẫn đầu bảng xếp hạng, Hoàng Anh Gia Lai và Viettel.

Đội nào giành suất dự AFC Champions League và AFC Cup 2022?

Hiện tại bóng đá Việt Nam có 1 suất dự AFC Champions League (đội vô địch V-League) và AFC Cup (đội nhì V-League, vô địch Cúp Quốc gia).

Vậy khi V-League và cúp Quốc gia đều bị hủy, ba đội nào được chọn đại diện Việt Nam thi đấu giải quốc tế?

Nếu dựa theo ba vị trí cao nhất bảng xếp hạng V-League hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai, Viettel và Than Quảng Ninh được chọn. Trong số này, đội bóng phố núi dự AFC Champions League và hai đội còn lại tham gia AFC Cup 2022.

Tuy nhiên, việc dự giải quốc tế không chỉ do bóng đá Việt Nam quyết định bỏi còn phụ thuộc vào Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Trong trường hợp việc hủy giải đấu, thậm chí cơ quan đứng đầu bóng đá châu lục còn có thể “trừ điểm” các giải đấu Việt bởi để lại hình ảnh không đẹp.

Các giải vô địch chuyên nghiệp hàng đầu và đội tuyển quốc gia là "trái tim" cho nền bóng đá. Quyết định hủy V-League, hạng Nhất và cúp Quốc gia 2021 khiến mọi thứ trở nên thoi thóp hơn./.

Đội nào đại diện Việt Nam dự AFC Champions League? (Ảnh: AFC) 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục