Theo Reuters/Bloomberg.com/Forbes.com, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn đầu đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ ở mức lớn hơn kỳ vọng trước đó của thị trường, bất chấp áp lực đòi hỏi hạ giá dầu thô trên thế giới từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Từ tháng 1/2019, “câu lạc bộ” gồm các nhà sản xuất dầu mỏ sẽ chính thức cắt giảm sản lượng khai thác mỗi ngày 800.000 thùng so với mức của tháng 10 vừa qua, trong khi các nước nằm ngoài OPEC sẽ cắt giảm 400.000 thùng mỗi ngày. Sau đó, tới tháng 4/2019, các bên sẽ lại nhóm họp để đánh giá kết quả.
Thị trường trước đó dự đoán các bên sẽ cắt giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày. Giá dầu trên thị trường thế giới đã tăng 5% lên mức hơn 63 USD/thùng sau khi các bên đạt thỏa thuận cắt giảm tổng cộng 1,2 triệu thùng/ngày.
Saudi Arabia, nhà lãnh đạo trên thực tế của OPEC, đã đối mặt với yêu cầu của Tổng thống Trump về việc hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu bằng việc tạm hoãn kế hoạch cắt giảm sản lượng.
Thực tế, việc cắt giảm sản lượng cũng sẽ giúp ích cho Iran rất nhiều bằng việc tăng giá bán trong bối cảnh Washington đang tìm cách bóp nghẹt nền kinh tế của nhà sản xuất lớn thứ 3 của OPEC này.
Về nguy cơ quyết định được đưa ra ngày 7/12 có gây tổn hại cho quan hệ giữa Riyadh và Washington hay không, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih trao đổi với báo giới rằng quốc gia này sẽ nhanh chóng khôi phục sản lượng khai thác nếu nguồn cung khan hiếm.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ không bắt ép người tiêu dùng quá mức,” đồng thời nói rằng cho dù Mỹ gần đây đã trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới song chính các doanh nghiệp năng lượng của họ “cũng phải thở phào.”
Quyết định của Riyadh có thể khiến tình hình trở nên phức tạp hơn do vụ khủng hoảng liên quan đến vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul hồi tháng 10 vừa qua.
Tổng thống Trump đã thể hiện sự ủng hộ đối với Thái tử Mohammed bin Salman bất chấp lời kêu gọi của nhiều chính trị gia Mỹ về việc áp đặt trừng phạt nghiêm khắc đối với quốc gia này.
Ông Falih từ chối trả lời câu hỏi rằng liệu quyết định của OPEC có khiến Washington rút lại sự ủng hộ này hay không và chỉ khẳng định quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ được xây dựng trên nền tảng là những giá trị chung.
Thỏa thuận của OPEC được đưa ra sau 2 ngày đàm phán căng thẳng, trước hết là với những lo ngại về nguy cơ Nga có thể sẽ chỉ chấp nhận cắt giảm một khối lượng nhỏ, và sau đó là lo ngại về việc Iran, quốc gia với ngành xuất khẩu đang bị đè nặng bởi các đòn trừng phạt của Mỹ, có thể sẽ không nhận được bất kỳ quy chế miễn trừ nào và phản đối thỏa thuận. Tuy nhiên, sau nhiều giờ đàm phán, Iran đã tuyên bố ủng hộ OPEC và Nga chấp nhận cắt giảm sản lượng nhiều hơn dự kiến.
[IEA nhận định giá dầu giảm là yếu tố hỗ trợ hoạt động kinh tế]
Nga cam kết giảm sản lượng 228.000 thùng/ngày so với mức tháng 10 vừa qua 11,4 triệu thùng/ngày, song khẳng định việc cắt giảm sẽ diễn ra từ từ và được thực hiện trong vài tháng. Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận kế hoạch cắt giảm với Thái tử Saudi Arabia.
Iraq, nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của OPEC, cam kết cắt giảm 140.000 thùng/ngày. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho biết sản lượng khai thác của quốc gia này trong tháng 12 đã giảm xuống còn 10,7 triệu thùng/ngày từ mức 11,1 triệu thùng/ngày của tháng 11 và sẽ ở mức 10,2 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2019.
Iran, Libya và Venezuela được nhận cơ chế miễn trừ của chương trình cắt giảm sản lượng. Nigeria, vốn được miễn khỏi vòng cắt giảm trước đó từ tháng 1/2017, cũng nhất trí tham gia.
Helima Croft, Giám đốc RBC Capital Markets, cho rằng thỏa thuận đã vượt quá trông đợi. Hãng tin Reuters dẫn lời bà nói: “Hội nghị tiếp theo vào tháng 4/2019 sẽ rất quan trọng đối với các mục tiêu đẩy nhanh quá trình này. Chúng ta chưa thể biết các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ đi về đâu, và cũng không rõ số dầu thô của Iran sẽ biến mất khỏi thị trường là bao nhiêu."
Bloomberg dẫn lời Chris Kettenmann, chiến lược gia hàng đầu của công ty cố vấn rủi ro Macro, cho rằng những nguy cơ trong giia đoạn này tác động tới mọi nhân tố thị trường, và “OPEC đang làm điều mà họ cần phải làm, kiểm soát rủi ro để thu hút vốn trở lại với ngành dầu mỏ”. Nhà bình luận Jim Collins viết trên tạp chí Forbes: “Mức giảm này là đủ để đưa thị trường dầu mỏ thế giới trở về thế cân bằng. Các nhà buôn dầu thô cũng đồng tình với quan điểm này," điều thể hiện qua việc giá dầu trên một số sàn giao dịch có dấu hiệu tăng nhẹ.
Tuy nhiên, cũng có những người vẫn hoài nghi khả năng thỏa thuận kể trên đủ để đem đến những thay đổi đáng kể trên thị trường dầu mỏ. Rob Haworth, làm việc tại Quỹ quản lý tài sản ngân hàng Mỹ tại Seattle, nói: “Thị trường sẽ đặt câu hỏi rằng như vậy đã đủ chưa? Liệu có đủ dấu hiệu cho thấy khoảng giá 50-55 USD là đủ thấp để hạn chế mức tăng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ ở mức 1,2 triệu thùng, và liệu đã đủ để đối phó với điều mà chúng ta đang thấy là một môi trường kinh tế toàn cầu trì trệ hay chưa?”
Reuters dẫn lời Bob McNally, Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Rapidan có trụ sở tại Mỹ, cho rằng chi tiết của thỏa thuận cắt giảm chưa rõ ràng và có thể sẽ dẫn đến kết quả không đúng như những con số đã được vạch ra.
Nga, Saudi Arabia và Mỹ trong nhiều năm gần đây liên tục ganh đua giành vị trí nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới. Mỹ không tham gia bất kỳ sáng kiến hạn chế sản lượng nào. Ngày 6/12 vừa qua số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy quốc gia này đã lần đầu tiên trở thành nhà xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế số 1 thế giới./.